ngũ chủng pháp thân

Phật Quang Đại Từ Điển

(五種法身) Chỉ cho 5 loại pháp thân của đức Phật. Có các thuyết khác nhau như sau: I. Ngũ Chủng Pháp Thân. Hoa nghiêm kinh tùy sớ diễn nghĩa sao quyển 4 nêu 5 loại pháp thân là: 1. Pháp tính sinh thân: Pháp tính này thể vốn tròn sáng, thường trụ, bao trùm muôn vật, thân Như lai từ đó sinh ra. 2. Công đức pháp thân: Như lai lấy công đức muôn hạnh làm nhân mà thành tựu quả Pháp thân. 3. Biến hóa pháp thân: Pháp thân Như lai không có cảm nào mà không thông, không 1 cơ nào mà không ứng, giống như vừng trăng trên vạn dòng sông, tùy theo nước mà hiện bóng, bóng tuy có khác nhưng trăng vốn là một. 4. Hư không pháp thân: Pháp thân Như lai dung thông 3 đời, bao trùm cõi đại thiên, 1 tính tròn sáng, mảy bụi không dính. 5. Thực tướng pháp thân: Pháp thân Như lai lìa các hư vọng, hội nhập chân như, không sinh không diệt. II. Ngũ Chủng Pháp Thân. Theo kinh Bồ tát anh lạc thì 5 loại pháp thân là: 1. Như như trí pháp thân: Thực trí chứng lí như như. 2. Công đức pháp thân: Hết thảy công đức 10 lực, 4 vô úy. 3. Tự pháp thân: Ứng thân của bồ tát Địa thượng ứng hiện; tông Thiên thai gọi là Thắng ứng thân, tông Pháp tướng gọi là Tha thụ dụng thân trong Báo thân. 4. Biến hóa pháp thân: Tức là Liệt ứng thân theo tông Thiên thai và Biến hóa thân theo tông Pháp tướng. 5. Hư không pháp thân: Lí như như giống như hư không, xa lìa tất cả các tướng. Trong 5 loại pháp thân trên, Như như trí pháp thân và Công đức pháp thân thuộc về Báo thân, Tự pháp thân và Biến hóa pháp thân thuộc về Ứng thân, còn Hư không pháp thân thì chính là Pháp thân. Nhưng tất cả được gọi chung là Pháp thân là vì đều mang đức tướng của Pháp thân. (xt. Pháp Thân). III. Ngũ Chủng Pháp Thân. Năm loại Pháp thân do Mật giáo lập. Tức là Tự tính, Thụ dụng, Biến hóa, Đẳng lưu và Lục đại pháp than (Pháp giới thân). (xt. Pháp Thân). IV. Ngũ Chủng Pháp Thân. Chỉ cho Tự tính pháp thân, Tự thụ dụng pháp thân, Tha thụ dụng pháp thân, Biến hóa pháp thân và Đẳng lưu pháp thân. V. Ngũ Chủng Pháp Thân. Chỉ cho Giới thân, Định thân, Tuệ thân, Giải thoát thân và Giải thoát tri kiến thân. (xt. Ngũ Phần Pháp Thân).