ngũ chủng niệm tụng

Phật Quang Đại Từ Điển

(五種念誦) Năm loại niệm tụng của Mật giáo. Thông thường, các kinh và nghi quĩ chỉ nêu có 4 loại niệm tụng, riêng Bí tạng kí và Kim cương giới đối thụ kí là nêu ra 5 loại niệm tụng. Năm loại niệm tụng ghi trong Bí tạng kí là: 1. Liên hoa niệm tụng: Cách niệm tụng mà tiếng tụng chỉ nghe ở lỗ tai mình, cách tụng này được dùng trong Liên hoa bộ. 2. Kim cương niệm tụng: Cách tụng thầm, miệng ngậm, chỉ hơi động đầu lưỡi. Cách này được sử dụng trong Kim cương bộ. 3. Tam ma địa niệm tụng: Cách niệm tụng không động lưỡi, chỉ niệm thầm trong tâm. Cách này dùng trong Phật bộ. 4. Thanh sinh niệm tụng, cũng gọi Sinh niệm tụng: Quán tưởng Thương khư (Phạm: Zaíkha, vỏ sò trắng) trên tâm hoa sen, lại quán tưởng từ Thương khư phát ra âm thanh mầu nhiệm, giống như rung chuông thành tiếng, rồi theo âm thanh ấy mà tụng niệm. Đây là pháp tụng niệm của Yết ma bộ. 5. Quang minh niệm tụng, cũng gọi Quang niệm tụng: Tưởng niệm ánh sáng từ trong miệng phóng ra, chiếu soi khắp pháp giới mà trì tụng. Đây là cách niệm tụng của Bảo bộ. Còn 5 loại niệm tụng ghi trong Kim cương giới đối thụ kí là: Thanh, Kim cương, Tam ma địa, Chân thực (cũng gọi Thực tướng) và Phẫn nộ. Bốn loại trước giống với 4 cách niệm tụng: Âm thanh, Kim cương, Tam ma địa và Chân thực của pháp Kim cương giới. Còn Phẫn nộ niệm tụng thì bên trong trụ nơi tâm từ bi, bên ngoài hiện tướng mạnh bạo, dữ tợn, nhíu mày, trợn mắt, phát tiếng giận dữ mà trì tụng, giống như pháp niệm tụng Hàng ma. [X. Kim cương giới đại pháp đối thụ kí Q.8]. (xt. Tứ Chủng Niệm Tụng).