ngũ căn

Phật Quang Đại Từ Điển

(五根) Phạm: Paĩcendriyàịi. Năm căn. I.Ngũ Căn. Cũng gọi Ngũ sắc căn. Chỉ cho 5 sắc căn, chỗ nương của 5 thức. Tức: Nhãn căn (Phạm:Caksurindriya), Nhĩ căn (Phạm: Zrotrendriya), Tị căn (Phạm:Ghràịendriya), Thiệt căn (Phạm: Jihvendriya), Thân căn (Phạm: Kayendriya). Cũng tức là 5 quan năng chủ về: Thị giác, thính giác, khứu giác, vị giác và xúc giác. Nếu thêm Ý căn vào 5 căn thì gọi là 6 căn. Năm căn ngoài khả năng thu nhận 5 đối tượng ở ngoại giới, còn có khả năng dẫn khởi tác dụng nhận biết của 5 thức trong nội tâm, vì có các tác dụng thù thắng ấy nên gọi là Căn. Lại vì 5 căn là do vật chất (sắc) cấu tạo thành, cho nên cũng gọi là 5 Sắc căn. Phái Số luận có thuyết Ngũ tri căn, trong đó, Thân căn cũng được gọi là Bì căn. Nói về thể của 5 căn, Tát bà đa bộ (Thuyết nhất thiết hữu bộ) chia 5 căn làm 2 thứ là Phù trần căn và Thắng nghĩa căn. Phù trần căn (cũng gọi Phù căn) là các căn thô phù bên ngoài (như mắt, tai, mũi…) tự chúng không có khả năng nhận thức sự vật, phải nhờ vào Thắng nghĩa căn theo bên cạnh giúp sức mới có thể sinh ra tác dụng nhận biết. Những Phù căn này thông thường được gọi là 5 giác quan. Còn Thắng nghĩa căn là bộ phận bên trong của nhục thể, mắt thường (mắt thịt) chẳng thể thấy được, nhưng có tác dụng sinh ra thức và thu lấy cảnh (đối tượng). Thắng nghĩa căn và Phù trần căn tuy cùng do cực vi tạo thành, nhưng Thắng nghĩa căn lấy tịnh sắc do 4 đại thù thắng tạo ra làm thể, là thực pháp nhưng mắt thường không thể thấy được. Do đó, Tát bà đa bộ chủ trương 5 căn là chỉ cho Thắng nghĩa căn, tức là cái mà ngày nay chúng ta thường gọi là hệ thần kinh, chứ không phải Phù trần căn mà thông thường ta gọi là 5 cảm quan. Nhưng Đại chúng bộ… thì cho sắc, hương, vị, xúc là thể của 5 căn, lấy máu thịt làm tính, không có tịnh sắc, không có khả năng nắm bắt đối tượng(thủ cảnh). Tức thuyết này chủ trương 5 căn là Phù trần căn. Còn theo thuyết của Duy thức Đại thừa thì như ngài Hộ pháp lập tịnh sắc hiện hành làm 5 căn, nhưng ngài Nan đà thì cho rằng 5 căn chỉ là chủng tử chứ không phải tịnh sắc hiện hành. [X. luận Phẩm loại túc Q.1; luận Dị bộ tông luân; luận Thành thực Q.4; luận Đại thừa a tì đạt ma tập Q.1; Đại thừa pháp uyển nghĩa lâm chương Q.3, phần đầu]. (xt. Ngũ Căn Hữu Tứ Sự Tăng Thượng). II.Ngũ Căn. Chỉ cho 5 căn vô lậu trong 37 đạo phẩm. Năm căn này là cội gốc sinh ra hết thảy pháp lành có tác dụng tăng thượng đối với việc áp phục phiền não, dẫn vào Thánh đạo, cho nên được gọi là Căn (gốc rễ). Đó là: 1. Tín căn (Phạm: Zraddhendriya): Tin Phật, Pháp, Tăng, tin đạo lí Tứ đế (khổ, tập, diệt, đạo). 2. Tiến căn (Phạm: Vìryendriya), cũng gọi Tinh tiến căn, Cần căn: Gắng sức mạnh mẽ tu tập pháp lành. 3. Niệm căn (Phạm: Smftìndriya): Nhớ nghĩ chính pháp. 4. Định căn (Phạm: Samàdhìndriya): Chú tâm vào 1 đối tượng duy nhất, không để tán loạn. 5. Tuệ căn (Phạm: Prajĩendriya): Ở trong định khởi trí quán, biết rõ chân lí như thực. Cứ theo Đại thừa nghĩa chương quyển 16 thì 5 căn này theo thứ tự còn có tác dụng đối trị với bất tín, giải đãi (biếng nhác), phóng dật (buông thả), trạo cử (xao động) và phiền não vô minh. Ngoài ra, theo Chỉ quán phụ hành truyền hoằng quyết (hội bản) quyển 7, phần 1, thì người tu hành mầm lành tuy đã hơi nứt nhưng vẫn chưa sinh rễ (căn), nay tu 5 pháp khiến cho rễ lành sinh ra, vì thế 5 pháp này đều gọi là Căn. Năm căn và 5 lực trong 37 đạo phẩm là cùng 1 thể, 5 lực hiển bày sức tăng thượng của 5 căn. Năm lực là pháp tu của người lợi căn, 5 căn là pháp tu của người độn căn. Năm căn này cũng có tác dụng tăng thượng đối với pháp vô lậu. [X. kinh Tạp a hàm Q.26; kinh Tăng nhất a hàm Q.23, 42; luận Đại tì bà sa Q.96; luận Đại trí độ Q.90; luận Du già sư địa Q.57; Pháp giới thứ đệ Q.trung]. (xt. Tam Thập Thất Đạo Phẩm).