ngũ bộ luật

Phật Quang Đại Từ Điển

(五部律) Năm bộ luật thuộc 5 bộ phái khác nhau do 5 vị đệ tử của ngài Ưu ba cúc đa (Tổ phó pháp thứ 5 của Thiền tông Ấn độ) truyền bá vào khoảng 100 năm sau khi đức Phật nhập diệt. 1. Đàm vô đức bộ (Phạm: Dharmaguptaka, Hán dịch: Pháp chính, Pháp hộ, Pháp kính, Pháp mật là tên của bộ chủ. Cũng gọi Đàm ma cúc đa). Quảng luật do bộ này truyền là luật Tứ phần 60 quyển; giới bản là Tứ phần tăng giới bản 1 quyển, Tứ phần luật tỉ khưu giới bản 1 quyển, Tứ phần tỉ khưu ni giới bản 1 quyển. Bốn bộ luật nói trên đều do ngài Phật đà da xá dịch vào đời Diêu Tần. 2. Tát bà đa bộ (Phạm:Sarvàsti-vàda, Hán dịch: Nhất thiết hữu, cũng gọi Tát bà đế bà). Quảng luật do bộ này truyền bá là luật Thập tụng 61 quyển, do ngài Phất nhã đa la và ngài Đàm ma lưu chi cùng dịch vào đời Diêu Tần, giới bản là Thập tụng tỉ khưu ba la đề mộc xoa giới bản 1 quyển, do ngài Cưu ma la thập dịch vào đời Diêu Tần; Thập tụng tỉ khưu ni ba la đề mộc xoa giới bản 1 quyển, do ngài Pháp hiển sưu tập vào đời Lưu Tống, Căn bản thuyết nhất thiết hữu bộ giới kinh 1 quyển, do ngài Nghĩa tịnh dịch vào đời Đường, Căn bản Thuyết nhất thiết hữu bộ bật sô ni giới kinh 1 quyển, do ngài Nghĩa tịnh dịch vào đời Đường. 3. Di sa tắc bộ (Phạm: Mahizàsaka, Hán dịch: Bất trước hữu vô quán). Quảng luật do bộ này truyền là luật Ngũ phần 30 quyển, do ngài Phật đà thập dịch vào đời Lưu Tống, giới bản là Sa di tắc ngũ phần giới bản 1 quyển, do ngài Phật đà thập dịch vào đời Lưu Tống, Ngũ phần tỉ khưu ni giới bản 1 quyển, do ngài Minh huy sưu tập vào đời Lương. 4. Ca diếp di bộ (Phạm:Kàzyapìya, Hán dịch: Trùng không quán). Quảng luật do bộ này truyền là luật Giải thoát, giới bản là Giải thoát giới kinh 1 quyển, do ngài Bát nhã lưu chi dịch vào đời Nguyên Ngụy. 5. Ma ha tăng kì bộ (Phạm: Mahàsaíghika): Quảng luật do bộ này truyền là luật Ma ha tăng kì 40 quyển, do các ngài Pháp hiển và Phật đà bạt đà la cùng dịch vào đời Đông Tấn, giới bản là Ma ha tăng kì luật đại tỉ khưu giới bản 1 quyển, do ngài Phật đà bạt đà la dịch vào thời Đông Tấn, Ma ha tăng kì tỉ khưu ni giới bản 1 quyển, do các ngài Pháp hiển và Giác hiền cùng dịch vào đời Đông Tấn. Về danh nghĩa của bộ này có nhiều thuyết khác nhau. a) Cứ theo kinh Xá lợi phất vấn, vì đa số vâng giữ luật Ma ha tăng kì, nên gọi là Đại chúng luật. b) Cứ theo kinh Đại phương đẳng đại tập quyển 22 thì ngoài 5 bộ nói trên, còn có Bà ta phú la bộ, cộng thành 6 bộ luật. Trong đó, Ma ha tăng kì bao gồm hết các kinh sách của 5 bộ kia, cho nên đặc biệt gọi là Ma ha tăng kì luật. Nhưng theo Xuất tam tạng kí tập quyển 3 thì Bà ta phú la bộ tức là Ma ha tăng kì bộ. c) Cứ theo Tam luận huyền nghĩa thì Độc tử bộ là tên dịch của Bà ta phú la; Phiên dịch danh nghĩa tập dịch Bà ta là Độc, Phú la là Tử. Ngoài ra, về sự phân chia Ngũ bộ thì có 2 thuyết: 1. Theo Xuất tam tạng kí tập quyển 3 thì khi đức Phật còn tại thế, có 1 vị Trưởng giả nằm mộng thấy 1 tấm chiên bằng dạ màu trắng tự nhiên đứt ra làm 5 khúc, Trưởng giả lo sợ liền đến thưa hỏi đức Phật về việc ấy. Đức Phật giải thích rằng đó là điềm báo trước tạng Luật sẽ chia làm 5 bộ. 2. Cứ theo Phiên dịch danh nghĩa tập quyển 4, sau khi Phật thành đạo được 38 năm, 1 hôm Ngài đến thụ trai trong cung vua tại thành Vương xá. Thụ trai xong, Ngài sai tôn giả La hầu la rửa bát, vì trượt tay nên bát vỡ làm 5 mảnh. Các vị tỉ khưu thỉnh vấn Phật về việc này, Ngài bảo sau khi Ngài nhập diệt 500 năm thì các tỉ khưu chia tạng Luật làm 5 bộ. Quả nhiên về sau ngài Ưu ba cúc đa có 5 vị đệ tử, mỗi người chấp 1 kiến giải riêng, bèn chia tạng Luật của Như lai làm 5 bộ. Lại nữa, theo kinh Xá lợi phất vấn, màu áo của 5 bộ đều khác nhau: Ma ha tăng kì bộ mặc áo màu vàng, Đàm vô đức bộ mặc áo màu đỏ, Tát bà đa bộ mặc áo màu đen, Ca diếp di bộ mặc áo màu mộc lan, Di sa tắc bộ mặc áo màu xanh. Nhưng theo Đại tỉ khưu tam thiên uy nghi quyển hạ thì Tát bà đa bộ mặc áo màu đỏ lợt, Đàm vô đức bộ mặc áo màu đen, 3 bộ còn lại thì giống như trên đã ghi. [X. kinh Phật bản hạnh tập Q.60; kinh Phật tạng Q.trung; Ma ha tăng kì luật hậu kí; Tứ phần luật hành sự sao tư trì kí Q.thượng, phần 1, tiết 2; Tứ phần luật sớ Q.2, Tứ phần luật san phồn bổ khuyết hành sự sao Q.hạ, phần 1; Đại thừa huyền luận Q.5; Đại đường tây vực kí Q.3; Thiên thai tứ giáo nghi tập chú Q.thượng].