ngôn khuyết

Phật Quang Đại Từ Điển

(言缺) Tiếng dùng trong Nhân minh. Lỗi thiếu (khuyết)ngôn trần hoặc ngôn trần không đầy đủ trong luận thức Nhân minh. Ngôn trần tức là lời nói mà người lập luận và người địch luận (người vấn nạn) đưa ra để trình bày ý kiến chủ trương của mình. Trong tác pháp 3 phần của Nhân minh, ngôn trần là yếu tố mà phần Tông (mệnh đề) không thể thiếu được. Chẳng hạn như lập tông Âm thanh là vô thường thì trong đó âm thanh và vô thường đều là ngôn trần; âm thanh là tiền trần (danh từ trước), vô thường là hậu trần (danh từ sau). Tiền trần biểu thị tự tướng của 1 pháp, cho nên cũng được gọi là Tự tướng (hoặc Tự tính); còn hậu trần thì biểu thị cho cái nhân tố đặc biệt của 1 pháp làm cho nó không giống các pháp khác, cho nên cũng được gọi là Sai biệt, tức là dùng tính chất sai biệt để hiển bày tự tính. Trong đối luận Nhân minh, tiền trần và hậu trần của phần Tông, bất cứ chủ trương, lập luận ra sao, đều phải đầy đủ và hoàn chỉnh, nếu không sẽ mắc lỗi ngôn khuyết; vì cái nội dung muốn trình bày mà đã khuyết (thiếu) thì lẽ tất nhiên chẳng có gì để đôi bên tranh luận. (xt. Khuyết Quá).