ngôn giáo

Phật Quang Đại Từ Điển

(言教) Phạm: Nirukti. Chỉ cho giáo pháp do đức Như lai dùng ngôn ngữ để diễn bày. Phẩm Phương tiện kinh Pháp hoa (Đại 9, 5 hạ) nói: Các loại nhân duyên, các loại thí dụ, diễn rộng ngôn giáo. Phổ thông cho rằng Phật giáo nói có, nói không, chẳng phải có, chẳng phải không đều là để giải bày giáo pháp. Giáo lí ấy tuy là pháp đã được giải bày, nhưng chân đế không tên, lí chẳng thể nói, thì ngôn giáo đã rơi vào Đệ nhị nghĩa. Nhị đế nghĩa quyển thượng (Đại 45, 90 trung) nói: Giáo có lời để nói, lí thì không thể nói; lí đã không thể nói thì làm thế nào để ngộ được? Cho nên người ngộ được lí ắt phải mượn lời để nói, vì lẽ ấy nên nói có, nói không, nói chẳng phải có, chẳng phải không… đều là giáo khiến cho ngộ lí. Lại cứ theo luận Hiển dương thánh giáo quyển 20, thì Ngôn giáo có 4 loại là: Sai biệt lí thú, Kiến lập lí thú, Vô dị lí thú, Vô tác dụng lí thú và có 4 câu phân biệt là: Ngôn định ý bất định, Ý định ngôn bất định, Ngôn ý câu định và Ngôn ý câu bất định. [X. luận Du già sư địa Q.78; Đại thừa huyền luận Q.1; Quán vô lượng thọ Phật kinh sớ diệu tông sao Q.3; Tam luận huyền nghĩa kiểm u tập Q.5].