ngôn đoan ngữ đoan

Phật Quang Đại Từ Điển

(言端語端) Tiếng dùng trong Thiền lâm. Lời nói ngay thẳng. Nghĩa là lời nói có khả năng trực tiếp hiển bày 1 cách trọn vẹn diệu lí của chí đạo. Đây là lời cảnh giác của những người chỉ biết 1 mặt chê bai văn tự ngữ ngôn. Lập trường của Thiền tông là bất lập văn tự, minh tâm kiến tính, bởi vì Thiền tông cho rằng nếu dùng ngôn ngữ văn tự để diễn giải thì sẽ đánh mất diệu lí của chí đạo, không thể đạt đến nghĩa rốt ráo, cho nên chủ trương bài xích văn tự ngôn ngữ. Nhưng nếu chẳng phải là bậc căn trí thượng thặng mà cứ 1 mực bài trừ văn tự ngôn ngữ để chứng ngộ Phật đạo, thì lại thường dễ sinh ra các mối tệ thiên chấp, tà kiến. Bởi vậy, các Thiền sư chính thống 1 mặt đề cao cảnh giác về giới hạn và chướng ngại của ngôn ngữ tư biện, mặt khác, không hoàn toàn gạt bỏ ngôn ngữ văn tự mà dùng chúng để tiến hành việc tham khảo, khai thị, khám biện các Thiền sinh… Nghĩa là cần phải đúng lúc dùng Ngôn đoan ngữ đoan để cảnh tỉnh những kẻ chỉ biết có 1 mặt là bài trừ ngôn ngữ văn tự, mà thực tế thì mờ mịt chẳng biết gì, giống như bọn Dã hồ thiền tựa hồ như đúng mà thực ra thì sai lầm. Bích nham lục tắc 2 (Đại 48, 142 thượng) nói: Chí đạo không khó, ngôn đoan ngữ đoan, một có nhiều thứ, hai chỉ một thể.