ngoại phàm

Phật Quang Đại Từ Điển

(外凡) Đối lại: Nội phàm. Từ ngữ chỉ chung cho các giai vị phàm phu trong quá trình tu tập Phật đạo, tức là 1 trong những giai vị trước Kiến đạo. Thanh văn thừa lấy 3 giai vị Ngũ đình tâm, Biệt tướng niệm trụ và Tổng tướng niệm trụ (tức Tam hiền vị) làm Ngoại phàm; còn Bồ tát thừa thì lấy giai vị Thập tín phục nhẫn làm Ngoại phàm. Đại thừa nghĩa chương quyển 17, phần cuối (Đại 44, 810 trung) nói: Ngoại phàm nghĩa là những người ở trong đường lành (thiện thú) tìm chân lý ở bên ngoài; chưa thể dứt hình tướng bên ngoài để duyên theo chân tính ở bên trong, cho nên gọi là Ngoại; chưa bỏ được thân phàm phu phần đoạn trong 6 đường, cho nên gọi là Phàm. Trong 4 giáo: Tạng, Thông, Biệt, Viên của tông Thiên thai thì tạng giáo lấy Hiền vị (Ngũ đình tâm v.v… ) làm Ngoại phàm; Thông giáo lấy Can tuệ địa của Thập địa nói trong kinh Đại phẩm bát nhã làm Ngoại phàm; Biệt giáo lấy giai vị Thập tín trong 52 giai vị làm Ngoại phàm và Viên giáo thì lấy giai vị Quán hành ngũ phẩm trong Lục tức làm Ngoại phàm. [X. luận Thành thực Q.1, 15; Thiên thai tứ giáo nghi tập chú Q.1 thượng, hạ]. (xt. Tam Hiền).