ngoại ngã

Phật Quang Đại Từ Điển

(外我) Đối lại: Nội ngã. Chỉ cho cái ngã(ta) ở ngoài thân, hoặc cái ngã ở ngoài 5 uẩn. Khái niệm Ngã (Phạm: Àtman) vốn là 1 trong những chủ đề quan trọng trong tư tưởng giới Ấn độ từ xưa đến nay; các giáo phái cũng như các học phái đã lần lượt đề xướng nhiều lí thuyết về ngã. Cứ theo luận Thành duy thức quyển 1, thì thông thường có 3 loại kiến giải chấp ngã là: Ngã ở trong 5 uẩn, Ngã lìa 5 uẩn, Ngã chẳng ở trong 5 uẩn chẳng lìa 5 uẩn. Ba chủ trương trên đây đều cho ngã là có thật, trong đó, chủ trương thứ 2 chấp ngã lìa uẩn, tức là kiến giải chủ trương ngoại ngã. Ngoài ra, bắt đầu từ bộ sử thi Mahàbhàrata của Ấn độ, thông thường người Ấn độ gọi là trời Đại tự tại (Phạm: Mahezvara) là thần Ziva và coi vị thần này là đấng tối cao sáng tạo ra vũ trụ vạn vật. Thể tính của vị thần này là thường trụ và trùm khắp, vì thế Đại tự tại được coi là đại ngã duy nhất, đối lại với cái ngã cá nhân nội tại, tức gọi là Ngoại ngã. Nhưng những chủ trương đại loại như thế đều bị Phật giáo phủ nhận. Đại nhật kinh sớ quyển 7 (Đại 39, 648 hạ) nói: Nếu hành giả chẳng hiểu chính xác nghĩa nhân duyên mà tu chứng các pháp Thiền, thì ắt sẽ chấp trước tự tâm là nội ngã (…) Giả sử chẳng chấp nội ngã thì chắc hẳn cũng chấp ngoại ngã, tức là trời Tự tại, Phạm thiên … [X. kinh Đại phẩm bát nhã Q.2; kinh Đại bát niết bàn Q.2 (bản Bắc); Dị bộ tông luân luận thuật kí]. (xt. Ngã).