ngoại hộ

Phật Quang Đại Từ Điển

(外護) Sự ủng hộ từ bên ngoài. Nghĩa là những người tín đồ tại gia đem tài vật cung cấp giúp đỡ tăng ni trong việc tu học của họ, hoặc tận lực ủng hộ sự nghiệp truyền bá Phật pháp. Ma ha chỉ quán quyển 4, hạ (Đại 46, 43 thượng) nói: Thiện tri thức có 3 loại: Một là ngoại hộ (…) Phàm là người ngoại hộ thì không kể ngày đêm, chỉ biết làm những việc cần làm, (…) như mẹ nuôi con, điều hòa mọi việc được tốt đẹp, những người hành đạo lâu năm thường làm như vậy, gọi là Ngoại hộ. Kinh Niết bàn quyển 32 (bản Bắc) có nêu ra thuyết Nội hộ và Ngoại hộ, cho rằng hành vi tăng ni tu tập giới pháp do đức Phật chế để phòng hộ những lỗi lầm của 3 nghiệp thân, khẩu, ý gọi là Nội hộ, còn Ngoại hộ thì như đã nói ở trên. Thời đức Phật còn tại thế đã có những nhà ngoại hộ Phật pháp nổi tiếng như: Vua Tần bà sa la, vua Ba tư nặc, Trưởng giả Cấp cô độc (Tu đạt) v.v… Sau thời đức Phật nhập diệt thì có các vua: A dục, Ca nị sắc ca, Giới nhật v.v… Tại Trung quốc thì có các bậc Đế vương như: Hiếu văn đế đời Bắc Ngụy; Vũ đế đời Lương; Dượng đế đời Tùy, Tắc thiên Vũ hậu đời Đường, Hiếu tông đời Nam Tống v.v… đều là những nhà hộ pháp lừng danh. Còn ở Nhật bản thì có các vị Thiên hoàng: Thánh vũ, Vũ đa, Đề hồ v.v… cũng là những người tôn sùng và ngoại hộ Phật giáo nổi tiếng… [X. kinh Nhân vương hộ quốc bát nhã ba la mật Q.hạ; kinh Niết bàn Q.3 (bản Bắc); Qui kính văn trong Thiền uyển thanh qui Q.8; Đại minh tam tạng pháp số Q.17].