ngoại duyên

Phật Quang Đại Từ Điển

(外緣) Đối lại: Nội nhân. Duyên từ bên ngoài có năng lực giúp cho sự vật sinh thành và biến hóa. Tức là sự ảnh hưởng gián tiếp của 1 pháp này đối với 1 pháp khác. Là tăng thượng duyên trong 4 duyên. Ảnh hưởng duyên này được chia làm 2 loại: 1. Dữ lực tăng thượng duyên: Có công năng thúc đẩy pháp khác sinh ra. 2. Bất chướng tăng thượng duyên: Không cản trở pháp khác sinh khởi. Vì muôn vật đều có sức ảnh hưởng lẫn nhau, cho nên không 1 pháp nào mà không có công năng của Tăng thượng duyên. Nhưng các pháp phải đợi khi nào nội nhân và ngoại duyên hòa hợp lẫn nhau mới hình thành được. Chẳng hạn như việc thụ sinh trong cõi người, phải lấy nghiệp thức của chính mình làm nội nhân và tinh cha huyết mẹ làm ngoại duyên, do sự hòa hợp của các nhân duyên ấy mới thụ sinh được. Cũng như công đức lợi tha của Phật chính là ngoại duyên giúp chúng sinh thành Phật, nhưng chúng sinh phải lấy Như lai tạng của bản thân làm nội nhân để chứng đắc bồ đề, nhờ những nhân duyên ấy hòa hợp thì mới khế cơ thành Phật được. Ngoài ra, theo luận Đại thừa khởi tín thì Tăng thượng duyên còn được chia ra làm 2 loại là Sai biệt duyên và Bình đẳng duyên. [X. luận Đại tì bà sa Q.21, 127; luận Thành duy thức Q.8; Thành duy thức luận thuật kí Q.8 phần đầu; Đại thừa khởi tín luận nghĩa kí Q.hạ phần đầu].