ngoại đạo vấn phật

Phật Quang Đại Từ Điển

(外道問佛) Cũng gọi Ngoại đạo vấn Phật hữu vô, Ngoại đạo lương mã tiên ảnh, Thế tôn lương cửu. Tên công án trong Thiền tông. Nội dung công án này nói về việc đức Phật im lặng để khai thị cho 1 ngoại đạo. Bích nham lục tắc 65 (Đại 48, 195 trung) chép: Có ngoại đạo hỏi Phật: Không hỏi lời có, chẳng hỏi lời không. Đức Thế tôn im lặng hồi lâu. Ngoại đạo khen rằng: Thế tôn đại từ đại bi, gạt đám mây u mê cho con, khiến con được ngộ nhập. Sau khi ngoại đạo kia đi rồi, tôn giả A nan hỏi đức Phật: Ngoại đạo ấy chứng được pháp gì mà nói được ngộ nhập? Phật trả lời: Như con ngựa hay, thoáng thấy bóng cái roi là chạy liền. Ngoại đạo dùng câu không hỏi lời có, chẳng hỏi lời không để thăm dò đại ý Phật pháp, đây là cách thăm dò có ác ý, muốn dồn đối phương vào tình huống tiến thoái lưỡng nan. Bởi vì, nếu đức Phật dùng lời gì mà đáp đi nữa thì cũng khó tránh khỏi rơi vào 2 cực có, không mà sẽ là cơ hội tốt cho ngoại đạo chụp lấy để vấn nạn, cho nên đức Phật chỉ giữ im lặng. Đứng về phương diện diệu chỉ chân thực của Phật pháp, thái độ im lặng ấy đã siêu việt cảnh giới có, không tương đối, không mảy may ô nhiễm. Cái diệu dụng của sự im lặng ấy đã hiện toàn linh cơ, chẳng những đã hóa giải được cái nguy cơ giảo hoạt của ngoại đạo kia, mà còn vận dụng một cách tự tại nêu tỏ đại ý của Phật pháp, vì thế trong lòng ngoại đạo thành thực thán phục mà khen ngợi đức Phật. [X. Thiền tông tụng cổ liên châu thông tập Q.2; Thiền tông vô môn quan tắc 32; Tông môn thống yếu tập tục Q.1].