ngoại đạo tứ chấp

Phật Quang Đại Từ Điển

(外道四執) Cũng gọi Ngoại đạo Tứ tông, Ngoại đạo Tứ kiến, Ngoại đạo Tứ kế, Tứ chủng ngoại đạo, Tứ kiến, Tứ chấp. Bốn loại kiến chấp của ngoại đạo Ấn độ đời xưa đối với những vấn đề như: Các pháp là 1 hay khác, thường hay vô thường, nhân quả có hay không v.v… được trình bày như sau: 1. Bốn kiến chấp về một, khác: a) Vọng chấp các pháp là một, tức chấp hết thảy pháp là đồng nhất. Như chủ trương của ngoại đạo Số luận. b) Vọng chấp các pháp là khác, tức chấp hết thảy pháp là sai biệt. Như chủ trương của ngoại đạo Thắng luận. c) Vọng chấp các pháp cũng một cũng khác, tức chấp hết thảy pháp cũng đồng nhất, cũng sai biệt. Như chủ trương của ngoại đạo Ni kiền tử. d) Vọng chấp các pháp chẳng phải một chẳng phải khác, tức chấp hết thảy pháp chẳng phải là đồng nhất, chẳng phải sai biệt. Như chủ trương của ngoại đạo Nhã đề tử và ngoại đạo Tà mệnh. Nhưng luận Ngoại đạo tiểu thừa tứ tông thì cho rằng: a) Vọng chấp tất cả pháp là một, tức cho rằng 2 tướng ngã và giác không lìa nhau, nhân và quả cũng thế. Đây là thuyết của ngoại đạo Tăng khư. b) Vọng chấp tất cả pháp là khác, tức cho rằng ngã và trí, năng và sở đều khác. Như thuyết của ngoại đạo Tì thế sư luận sư. c) Vọng chấp tất cả pháp là cùng (câu), tức cho rằng hết thảy pháp đều cùng nhau tồn tại chứ không phải tồn tại đơn lẻ, đồng nghĩa với thuyết cũng một cũng khác. Đây là chủ trương của ngoại đạo Ni kiền tử luận sư. d) Vọng chấp tất cả pháp không cùng (bất câu), tức cho rằng hết thảy pháp không cùng nhau tồn tại mà có tính chất tương đối, đồng nghĩa với thuyết chẳng phải một chẳng phải khác như chủ trương của ngoại đạo Nhã đề tử luận sư. 2. Bốn kiến chấp về thường, vô thường: a) Vọng chấp tất cả pháp thế gian đều là thường hằng. b) Vọng chấp tất cả pháp thế gian đều là vô thường. c) Vọng chấp tất cả pháp thế gian cũng thường cũng vô thường. d) Vọng chấp tất cả pháp thế gian chẳng phải thường, chẳng phải vô thường. Luận Đại trí độ quyển 7 (Đại 25, 110 thượng) nói: Lại có 4 thứ kiến chấp: Thế gian là thường, thế gian là vô thường, thế gian cũng thường cũng vô thường, thế gian chẳng phải thường chẳng phải vô thường, ngã và thế gian có biên không biên cũng như thế. Cũng có kiến chấp cho rằng sau khi chết là mất, hoặc sau khi chết không mất, hoặc sau khi chết là mất là chẳng mất, hoặc sau khi chết cũng chẳng phải mất chẳng phải chẳng mất. Trong đó, 4 câu Thế gian là thường… là Biến thường luận và Nhất phần thường luận nói trong kinh Phạm võng lục thập nhị kiến; 4 câu Hữu biên vô biên… là Hữu biên đẳng luận; 4 câu Sau khi chết là mất… là Hữu tưởng luận, Vô tưởng luận, Đoạn diệt luận. 3. Bốn kiến chấp về tức, li của ngã và uẩn: Theo luận Du già sư địa quyển 65, thì 4 kiến chấp ấy là: a) Vọng chấp ngã tức là các uẩn. b) Vọng chấp ngã khác với các uẩn nhưng ở trong các uẩn. c) Vọng chấp ngã chẳng phải tức uẩn, mà là khác với các uẩn, lìa uẩn, chẳng phải ở trong uẩn mà ở trong các pháp khác. d) Vọng chấp ngã chẳng phải tức uẩn mà là khác với các uẩn, lìa uẩn chẳng phải ở trong uẩn cũng chẳng phải ở trong bất cứ pháp nào khác, cũng không tương ứng với tất cả uẩn. 4. Bốn kiến chấp về nhân quả có, không: a) Vọng chấp tà nhân tà quả: Như ngoại đạo Đại tự tại thiên chấp muôn vật đều do trời Đại tự tại sinh ra, nếu trời Đại tự tại vui thì 6 đường (trời, người, a tu la, địa ngục, ngã quỉ, súc sinh) đều vui; nếu trời Đại tự tại tức giận thì 4 loài (loài đẻ bọc, loài đẻ trứng, loài đẻ ở nơi ẩm ướt, loài hóa sinh) đều khổ. b) Vọng chấp không nhân có quả: Các ngoại đạo Thường kiến, Vô nhân tìm hiểu tận cùng muôn vật, phát hiện ra rằng sự sống hiện tại của muôn vật không cần nương vào vật khác, rồi vọng chấp muôn vật đều tự nhiên mà có chứ chẳng cần quan hệ nhân quả nào cả. c) Vọng chấp có nhân không quả: Ngoại đạo Đoạn kiến chấp trước chỉ có nhân ở hiện tại chứ không có quả tái sinh ở đời sau, như cỏ cây chỉ sống trong 1 thời kì, sau đó thì chết là hết. d) Vọng chấp không nhân không quả: Ngoại đạo này hoàn toàn không tin luật nhân quả, cho rằng con người chẳng phải chịu quả đời sau, cũng không có nhân hiện tại. 5. Bốn kiến chấp về khổ do mình tự tạo, do người khác gây ra: a) Vọng chấp khổ do chính mình tự tạo lấy. b) Vọng chấp khổ trong 6 đường là do trời Đại tự tại gây ra. c) Vọng chấp khổ do chúng sinh cùng tạo tác. d) Vọng chấp tự nhiên mà có khổ chứ chẳng vì nguyên nhân nào. Ngoài ra, tông Tam luận căn cứ vào nghĩa không, hữu của các pháp mà lập ra thuyết Nội ngoại đạo tứ chấp (cũng gọi Tứ tông), cho rằng tất cả ngoại đạo, tông Tì đàm, tông Thành thực và Đại chấp… đều là những tông phái chấp chặt vọng kiến. [X. luận Nhập đại thừa Q.thượng; luận Du già sư địa Q.6, luận Hiển dương thánh giáo Q.9; luận Thành duy thức Q.1; Thành duy thức luận thuật kí Q.1, phần cuối; Trung quán luận Q.3 phần đầu; Bách luận sớ Q.1,7]. (xt. Tứ Tông, Ngoại Đạo).