ngoại đạo thập nhất tông

Phật Quang Đại Từ Điển

(外道十一宗) Mười một tông tóm tất cả 95 thứ ngoại đạo ở Ấn độ thời xưa. Đây là cách phân loại của Tổ thứ 4 tông Hoa nghiêm là ngài Trừng quán căn cứ vào 95 thứ ngoại đạo Ấn độ cổ đại được ghi trong kinh Niết bàn quyển 10 mà qui nạp thành 11 tông. Theo Hoa nghiêm kinh tùy sớ diễn nghĩa sao quyển 13 (do ngài Trừng quán soạn)thì 11 tông ấy là: 1. Số luận sư: Vọng chấp từ Minh (mờ mịt) sinh ra Số, tức là tuệ. Số luận tức là từ Số khởi Luận, hoặc Luận có năng lực sinh ra Số. Nghĩa là Số luận sư vọng chấp từ Minh (tự tính) sinh ra Giác, từ Giác sinh ra tâm, cho đến 11 căn, hợp với Minh và Thần ngã mà thành 25 đế. Minh là nhân sinh ra muôn vật, Thần ngã là sự thấy biết của ngã (cái ta), còn các đế khác đều có thể biến đổi. 2. Vệ thế sư: Chấp 6 cú sinh. Vệ thế nghĩa là Vô thắng, tức là Hưu lưu tiên nhân, ra đời trước đức Phật 800 năm. Sau khi được 5 thứ thần thông (chân không chạm đất, biết tâm và mệnh số của người khác, mắt trông xa nghìn dặm, nghe gọi tên đến liền, bước đi trên vách đá không ngăn ngại), vị tiên này nói 10 vạn bài kệ, tự cho là mình đã chứng được Bồ đề, nên an nhiên nhập diệt. Lục cú sinh(6 nguyên lí sinh ra muôn vật) mà vị tiên này chấp là: -Thực (có 9 thứ): Thể của các pháp là có thật, là chỗ y chỉ của Đức nghiệp: -Đức (có 24 thứ): Tức là đạo đức. -Nghiệp (có 5 thứ): Tức là động tác, tác dụng. -Đại hữu (có 1 thứ): Nghĩa là Thực, Đức, Nghiệp đều là 1 hữu. -Đồng dị (cũng có 1): Như đất với đất là đồng (giống nhau), từ đất mà trông nước là dị (khác nhau), nước, lửa, gió cũng thế. -Hòa hợp: Do các pháp hòa hợp mà có trụ. 3. Đồ khôi ngoại đạo: Ngoại đạo Đồ khôi và các Bà la môn cùng chấp rằng thể tính của trời Tự tại (ở tầng trời thứ 6 thuộc cõi Dục) là có thật và thường hằng, có năng lực sinh ra các pháp và biến hiện ra các hình tướng trong 6 đường để giáo hóa các chúng sinh. 4. Vi đà luận sư: Vọng chấp 4 chủng tính là do trời Na la diên sinh ra. Vi đà nghĩa là Trí luận; Na la diên nghĩa là Lực sĩ Câu tỏa. Tức Luận sư Vi đà vọng chấp rằng từ nơi rốn của trời Na la diên mọc ra đóa hoa sen lớn, trên hoa sen có Phạm thiên, rồi từ miệng Phạm thiên sinh ra Bà la môn, từ 2 cánh tay sinh ra Sát đế lợi, từ 2 bắp đùi sinh ra Tì xá và từ 2 gót chân sinh ra Thủ đà la, cho nên chủng tính Bà la môn là ưu tú nhất, tôn quí nhất. 5. An đồ Luận sư: Vọng chấp Bản tế sinh. Nghĩa là ngoại đạo này chấp rằng vào lúc ban sơ (sơ tế, bản tế) ở quá khứ, trong thế gian chỉ có nước mênh mông, lênh láng, lúc bấy giờ có Đại an đồ sinh ra, hình dáng giống như quả trứng gà, sau chia làm 2 phần, phần trên là trời, phần dưới là đất, ở giữa sinh ra 1 vị Phạm thiên, rồi Phạm thiên này sinh ra hết thảy muôn vật, vì thế coi Phạm thiên là chủ sinh ra vạn hữu. 6. Thời tán ngoại đạo: Vọng chấp muôn vật do thời gian sinh ra, như cỏ cây tùy thời mà sinh hoa, kết quả, tươi tốt, khô héo, sống chết… cho nên thời là thường, là nhất. Chủ trương này thuộc về thuyết thấy quả mà biết nhân. 7. Phương luận sư: Ngoại đạo này vọng chấp 4 phương sinh ra con người, người sinh ra trời đất, sau khi tiêu diệt lại trở về 4 phương, vì thế Phương là thường, là nhất. 8. Lộ già da: Lộ già da nghĩa là Thuận thế. Tức ngoại đạo vọng chấp các pháp sắc, tâm đều do cực vi (nguyên tử)của 4 đại: Đất, nước, lửa, gió sinh ra. Cho nên cực vi là nhân sinh ra muôn vật; muôn vật vô thường, sau khi hoại diệt lại trở về 4 đại, nhưng thực thể của cực vi thì không hư nát. 9. Khẩu lực luận sư: Vọng chấp hư không là nhân sinh ra muôn vật. Nghĩa là ngoại đạo này chấp từ hư không sinh ra gió, từ gió sinh ra lửa, từ lửa sinh ra hơi nóng, từ hơi nóng sinh ra nước, nước đông cứng lại sinh ra đất, đất sinh ra ngũ cốc, ngũ cốc sinh ra mệnh sống, mệnh sống hết lại trở về hư không. 10. Túc tác luận sư: Vọng chấp khổ vui do nghiệp. Nghĩa là ngoại đạo này chấp rằng tất cả chúng sinh đều tùy theo nghiệp nhân đã tạo tác ở đời trước mà chịu quả báo khổ, vui. Nên tinh tiến giữ giới, thân tâm chịu khổ thì phá trừ được bản nghiệp, bản nghiệp đã hết thì các khổ cũng diệt, tức được Niết bàn, vì thế vọng chấp những việc đã làm ở đời trước là nguyên nhân của tất cả mọi sự vật. 11. Vô nhân luận sư: Ngoại đạo này vọng chấp hết thảy muôn vật đều tự nhiên sinh, tự nhiên diệt, không có nguyên nhân (nhân duyên) nào cả. [X. luận Du già sư địa Q.6, 7; luận Hiển dương thánh giáo Q.9, 10; luận Đại tì bà sa Q.11, 12]. (xt. Ngoại Đạo).