ngoại đạo thập lục tông

Phật Quang Đại Từ Điển

(外道十六宗) Cũng gọi Thập lục dị luận, Thập lục ngoại luận, Thập lục ngoại đạo, Thập lục kế. Chỉ cho 16 tông phái của ngoại đạo Ấn độ thời xưa. Là 1 trong những cách phân loại ngoại đạo Ấn độ, do ngài Khuy cơ thuộc tông Pháp tướng căn cứ vào Thập lục dị luận được nêu trong luận Du già sư địa quyển 6, 7 và luận Hiển dương thánh giáo quyển 9, 10, có sửa đổi chút ít về tên gọi mà lập thành. Theo Đại thừa pháp uyển nghĩa lâm chương quyển 1, phần đầu, 16 tông ấy là: 1. Nhân trung hữu quả tông, cũng gọi Nhân trung hữuquả luận. Tông này vọng chấp nhân của các pháp là thường hằng và đã có tính chất của quả. Cứ theo Pháp hoa văn cú quyển 9 thượng và Chỉ quán phụ hành truyền hoằng quyết quyển 10, phần 1, thì đây là vọng chấp của ngoại đạo Số luận. Nhưng theo thành Duy thức luận thuật kí quyển 1, phần cuối, thì vọng chấp này là của ngoại đạo Vũ chúng. Có thuyết cho rằng ngoại đạo Số luận tức là ngoại đạo Vũ chúng. Như lúa nếp hương lấy hạt thóc nếp hương làm nhân, muốn có lúa nếp hương thì phải gieo hạt thóc nếp hương mới có, chứ không thể gieo hạt lúa mì mà mong có được lúa nếp hương, cho nên trong nhân lúa nếp hương đã có tính nếp hương. 2. Tòng duyên hiển liễu tông, cũng gọi Tòng duyên hiển liễu luận. Tông này vọng chấp thể của âm thanh hoặc pháp là thường hằng, nhưng phải nhờ các duyên mới hiểu rõ được. Đây là thuyết của ngoại đạo Thanh luận và ngoại đạo Số luận. 3. Khứ lai thực hữu tông, cũng gọi Khứ lai thực hữu luận. Tông này vọng chấp quá khứ và vị lai đều có thật chứ chẳng phải có giả, chính là Biến thường luận nói trong Phạm võng lục thập nhị kiến. Đây là thuyết do ngoại đạo Thắng luận và ngoại đạo Thời luận chủ trương. 4. Kế ngã thực hữu tông, cũng gọi Kế ngã thực hữu luận. Tông này vọng chấp ngã tức uẩn, li uẩn và ngã phi tức uẩn, phi li uẩn, chấp trước ngã là có thật, là thường nhất. Cũng tức là chấp có ngã, có Tát đỏa (chúng sinh), có mệnh giả (mệnh sống), có sinh giả (người), đây là do sinh khởi Ngũ giác mà biết có ngã, là Biến thường luận trong Phạm võng lục thập nhị kiến. Tất cả ngoại đạo như Số luận,Thắng luận, Li hệ, Thú chủ, Xích y, Biến xuất và Độc tử bộ của Tiểu thừa đều chủ trương thuyết này. 5. Chư pháp giai thườngtông, cũng gọi Kế thường luận. Tông này vọng chấp toàn bộ hoặc một phần các pháp là thường trụ. Cũng tức là chấp trước ngã và thế gian đều là thường trụ. Đây là Biến thường luận và Nhất phần thường luận trong Phạm võng lục thập nhị kiến. Ngoại đạo Số luận chủ trương thuyết này. 6. Chư nhân túc tác tông, cũng gọi Túc tác nhân luận. Tông này vọng chấp cái khổ mà con người phải chịu ở hiện tại, đều là do nhân xấu ác đã tạo ở quá khứ. Nếu ở đời hiện tại tinh tiến tu hành, các nghiệp cũ dần dần tiêu trừ, đồng thời không tạo nghiệp mới, thì cuối cùng sẽ được giải thoát. Đây là thuyết do ngoại đạo Li hệ (Ni kiền tử) chủ trương. 7. Tự tại đẳng nhân tông, cũng gọi Tự tại đẳng tác giả luận. Tông này vọng chấp các pháp đều do trời Tự tại biến hiện ra. Tức chấp trước các pháp do trời Đại tự tại, Trượng phu, Đại phạm, hoặc do các nguyên nhân như thời, phương, không, ngã… biến hóa ra. Đây là Nhất phần thường luận trong Phạm võng lục thập nhị kiến. Các Luận sư Ma hê thủ la chủ trương thuyết này. 8. Hại vi chính pháp tông, cũng gọi là Hại vi chính pháp luận. Tông này lấy việc ăn thịt và giết hại sinh vật làm chính tông. Tức các người Bà la môn vì muốn ăn thịt mà bịa ra rằng nhờ các nghi thức cúng tế, chú thuật và giết các sinh vật để cúng tế… mà người tế cũng như vật tế đều được sinh lên cõi trời! Đây là chủ trương của Bản kiếp luận giả. 9. Biên vô biên đẳng tông, cũng gọi là Hữu biên vô biên luận. Tông này vọng chấp thế gian là có biên hoặc không có biên. Đây là Hữu biên đẳng luận trong Phạm võng lục thập nhị Kiến. 10. Bất tử kiểu loạn tông, cũng gọi Bất tử kiểu loạn luận. Tông này vọng chấp Phạm thiên không chết. Nếu có người hỏi đạo thì đáp bằng những lời giả dối. Đây là Bất tử kiểu loạn luận nói trong Phạm võng lục thập nhị kiến. 11. Chư pháp vô nhân tông,cũng gọi Vô nhân kiến luận. Tông này vọng chấp các pháp đều tự nhiên sinh khởi chứ chẳng do nguyên nhân nào cả. Đây là Vô nhân luận nói trong Phạm võng lục thập nhị kiến. Ngoại đạo Vô nhân chủ trương thuyết này. 12. Thất sự đoạn diệt tông, cũng gọi Đoạn kiến luận. Tông này vọng chấp rằng quả báo ở 7 nơi như: Thân chúng sinh ở cõi Dục và những người trời cõi Dục, cõi Sắc, cõi Vô sắc, sau khi chết đều đoạn diệt. Đây là đoạn diệt luận được nói trong Phạm võng lục thập nhị kiến do ngoại đạo Đoạn kiến chủ trương. 13. Nhân quả giai không tông, cũng gọi Không kiến luận. Tông này phủ nhận thuyết Nhân quả, vọng chấp tất cả đều là không. 14. Vọng kế tối thắng tông, cũng gọi Vọng kế tối thắng luận. Tông này vọng chấp rằng Bà la môn là chủng tộc tối thắng trong 4 chủng tộc, là con dân của Phạm vương, được sinh ra từ miệng của Phạm vương, 3 chủng tộc còn lại đều hèn kém, chẳng phải con dân của Phạm vương. 15. Vọng kế thanh tịnh tông, cũng gọi Vọng kế thanh tịnh luận. Tông này vọng chấp 5 món dục lạc mà các người trời đang thụ hưởng là hiện pháp Niết bàn, hoặc giữ gìn các giới như giới bò, giới chó, lấy việc ăn cỏ, ăn phân để cầu được giải thoát. Các ngoại đạo Hiện pháp Niết bàn và ngoại đạo Thủy đẳng thanh tịnh chủ trương thuyết này. 16. Vọng kế cát tường tông, cũng gọi Vọng kế cát tường luận. Tông này cho rằng cúng tế mặt trời, mặt trăng và các vì tinh tú là việc làm sẽ mang lại sự tốt lành, nhiều phúc báo… Đây là vọng kiến của ngoại đạo Lịch toán. Mười sáu tông trên đây có lẽ đã được căn cứ vào thuyết 62 kiến chấp nói trong kinh Phạm động, Trường a hàm quyển 14 mà lập ra và ngoại trừ 7 tông là: Nhân trung hữu quả, Tòng duyên hiển liễu, Chư nhân túc tác, Hại vi chính pháp, Nhân quả giai không, Vọng kế tối thắng, Vọng kế cát tường là không thấy có tông nào tương đương, còn các tông khác thì đều còn ý chỉ để lại. [X. kinh Phạm võng lục thập nhị kiến; kinh Đại Phật đính thủ lăng nghiêm Q.10; luận Đại tì bà sa Q.199, 200; luận Du già sư địa Q.87; Đại thừa pháp uyển nghĩa lâm chương Q.4, phần cuối; Tuệ lâm âm nghĩa Q.25; luận Thập trụ tâm Q.3].