ngoại bát miếu

Phật Quang Đại Từ Điển

(外八廟) Tám ngôi chùa của Phật giáo Tây tạng nằm ở phía Đông và phía bắc Hành cung (Li cung của nhà Thanh) ở thành phố Thừa đức tại Nhiệt hà, được xây dựng từ khoảng năm Khang hi 52 (1713) đến năm Càn long 45 (1780). Vì 8 chùa này nằm ở bên ngoài Hành cung cho nên gọi là Ngoại bát miếu, để phân biệt với 8 ngôi chùa nằm ở bên trong khu vực Hành cung, gọi là Nội bát miếu. Ngoại bát miếu gồm: 1. Chùa Phổ nhân: Ở phía đông cách Hành cung 1,7 cây số, do các vị vương hầu Mông cổ xây dựng vào năm 1713 để chúc mừng Hoàng đế Khang hi 60 tuổi. 2. Chùa Phổ thiện: Ở phía sau chùa Phổ nhân 100 bước, được kiến thiết cùng 1 lúc với chùa Phổ nhân, qui mô cũng ngang nhau. 3. Chùa Phổ ninh: Ở phía đông bắc cách Hành cung 2,8 cây số, được xây cất vào đầu năm Càn long 20, phỏng theo kiểu chùa Tang da ở Tây tạng, qui mô rất hùng vĩ. Bên trong tàng trữ nhiều ngự bút và văn bia. 4. Chùa An viễn, cũng gọi chùa Y lê: nằm ở chân núi phía đông bắc Hành cung, phỏng theo kiểu chùa Y lê ở Tân cương, được xây cất vào năm Càn long 29. Bên trong tàng trữ các tấm bia khắc những bài thơ do vua sáng tác bằng 4 thứ chữ; Hán, Mãn, Mông, Tạng; trên vách chung quanh điện Phật có những bức bích họa miêu tả nguồn gốc nước Phật và danh hiệu Phật cũng viết bằng 4 thứ chữ. 5. Chùa Phổ hựu: Ở phía đông bắc cách Hành cung 3,5 cây số, được xây cất vào năm Càn long 25, các tượng Phật trong chùa toàn tạc theo kiểu mẫu Tây tạng. 6. Chùa Phổ lạc: Ở phía đông bắc cách Hành cung 1,2 cây số, được kiến trúc vào năm Càn long 31. Tượng Bản tôn trong chùa cao khoảng 23 mét. 7. Chùa Phổ đà tông thừa: Ở phía đông bắc cách Hành cung 0,6 cây số, được kiến thiết vào năm Càn long 35, phỏng theo lối kiến trúc của cung Bố đạt lạp (Potala) ở Lhasa, Tây tạng. 8. Chùa Tu di phúc thọ: Nằm về phía tây chùa Phổ đà tông thừa, được xây dựng vào năm Càn long 45 để chúc thọ Hoàng đế Càn long 70 tuổi, phỏng theo kiểu chùa Trát thập luân bố ở Nhật khách tắc, qui mô rất hùng vĩ. Hình thức kiến trúc, tạo tượng, bích họa v.v… của các ngôi chùa trên đây đều dung hòa phong cách nghệ nghệ thuật của các chủng tộc Mông, Tạng và Hán. Ngoài ra, còn có thuyết lấy chùa Thù tượng thay cho chùa Phổ thiện trong 8 chùa nói trên. Chùa Thù tượng nằm ở phía tây chùa Phổ đà tông thừa, được xây dựng năm Càn long 39, phỏng theo kiểu chùa Hương sơn trên núi Ngũ đài, để làm trung tâm tín ngưỡng cho dân tộc Mãn châu. Tám ngôi chùa này hàng năm có lễ hội rất lớn. Các Hoàng đế cũng thường dùng những chùa này làm nơi khoản đãi các sứ thần, các vị vương hầu ngoại biên và các lãnh tụ tông giáo Mông cổ, Tây tạng v.v… tạo nên cảnh tượng phồn vinh mà ở thành phố Thừa đức trước kia chưa từng có và dần dần đã phát triển thành khu trung tâm hành chính. Tám ngôi chùa này cũng đã ghi lại 1 trang sử huy hoàng trong nền văn hóa ở biên giới phía bắc Trung quốc. Đáng tiếc rằng từ giữa đời Thanh về sau, nạn nội loạn, ngoại xâm liên tiếp ập đến, khiến các chùa trở nên hoang phế. [X. Đại Thanh thực lục; Nhiệt hà chí; Đông hoa toàn lục; Narrative of the Mission of George Bogle to Tibet, London 1879, by Markham; the Dalai Lamas of Lhasa and their relations with the Manchu Emperors of China 1644-1908, Leyden 1910, by W.W. Rockhill].