ngộ ân

Phật Quang Đại Từ Điển

(晤恩) Cao tăng Trung quốc, sống vào đời Tống, người Thường thục, tỉnh Giang tô, họ Lộ, tự Tu kỉ, là Thủy tổ phái Sơn ngoại, tông Thiên thai. Năm 13 tuổi, sư nghe tụng kinh Di đà mà phát tâm xuất gia. Lúc đầu, sư học luật Nam sơn, được ít lâu, sư theo ngài Chí nhân ở viện Từ quang tại Tiền đường học tập giáo quán Thiên thai. Sư thông suốt ý chỉ huyền diệu của kinh Pháp hoa, kinh Kim quang minh, Chỉ quán…, có tài hùng biện không ai sánh kịp. Người thời bấy giờ gọi sư là Nghĩa hổ. Trong pháp nạn Hội xương (841), phần nhiều kinh sách của tông Thiên thai đã bị mất. Sư nghiên cứu rất sâu về chỉ thú của Thập diệu, Ngũ trùng, giảng Huyền nghĩa, Văn cú, Chỉ quán hơn 20 lần, nhờ đó đã làm sáng tỏ đại ý của kinh Pháp hoa. Sư thường ăn ngày 1 bữa, không lìa áo bát, không cất giữ tài vật, tiền bạc; thường nằm nghiêng bên phải, ngồi kết già, không bàn chuyện thế tục, không thích giao du, đối với người giầu sang quyền quí, không bao giờ sư khuất phục. Sư thường than thở thời bấy giờ ít người giữ giới nên sư dạy học trò rất nghiêm. Trước sư dạy cho họ tu tịnh nghiệp, sau đó, bất luận trí ngu, sư đều chỉ bày cho họ lí Nhất thừa viên giáo. Vào đầu tháng 8 năm Ung hi thứ 3 (986) đời Tống, biết mình sắp tịch, sư bèn nhịn ăn, không nói, chỉ một lòng niệm Phật. Đến ngày 25 tháng 8, sau khi giảng về chỗ cốt yếu của pháp Chỉ quán và ý nghĩa quán tâm cho các đệ tử nghe, sư liền ngồi ngay thẳng thị tịch, hưởng thọ 75 tuổi. Sư có các tác phẩm: Tam đại bộ, Kim quang minh huyền nghĩa văn cú, Kim ti luận. [X. Tống cao tăng truyện Q.7; Phật tổ thống kỉ Q.10].