ngộ

Phật Quang Đại Từ Điển

(悟) Đối lại: Mê. Sinh khởi chân trí, xoay chuyển mê mộng, tỏ ngộ chân lí, gọi là Ngộ. Như nói chuyển mê khai ngộ, chứng ngộ, giác ngộ, ngộ nhập… Vì giáo lí trong Phật giáo có sâu cạn khác nhau nên cảnh giới ngộ cũng bất đồng: Tiểu thừa đoạn phiền não trong 3 cõi thì chứng được lí trạch diệt; tông Duy thức chủ trương ngộ nhập tính Duy thức; tông Tam luận nhằm đến được cảnh Không bất khả đắc; tông Hoa nghiêm chủ trương chứng nhập Tự cảnh giới của Thập Phật; tông Thiên thai chủ trương chứng ngộ thực tướng các pháp, còn Thiền tông thì đề xướng Kiến tính thành Phật v.v… Nói tóm lại, cảnh giới ngộ của Đại thừa là chứng biết chân lí, dứt sạch phiền não, đầy đủ vô lượng diệu đức, ứng hiện muôn cảnh 1 cách tự tại. Nếu phân biệt mê ngộ trong 10 cõi (địa ngục, ngạ quỉ, súc sinh, tu la, người, trời, Thanh văn, Duyên giác, Bồ tát, Phật) thì 6 cõi trước là mê, 4 cõi sau là ngộ. Nếu nói theo 1, 9 đối đãi thì 9 cõi trước là nhân, 1 cõi sau là quả, nghĩa là chỉ có quả vị Phật là cảnh giới ngộ viên mãn. Nếu nói theo trình độ chứng ngộ thì ngộ 1 phần là tiểu ngộ, ngộ toàn phần là đại ngộ. Nếu căn cứ vào thời gian nhanh chậm, thì có thể chia làm Tiệm ngộ và Đốn ngộ. Nếu lại căn cứ vào trí giải mà bàn thì hiểu biết được lí gọi là Giải ngộ, còn do tu hành thực tiễn đạt được lí thì gọi là Chứng ngộ. [X. kinh Đại Phật đính thủ lăng nghiêm Q.4; Pháp hoa kinh huyền nghĩa Q.8, hạ; Long môn Phật nhãn hòa thượng ngữ lục trong Cổ tôn túc ngữ lục Q.30].