nghiệp xứ

Phật Quang Đại Từ Điển

(業處) Phạm: Karma-sthàna. Pàli: Kamma-ỉỉhàna. Cũng gọi Hành xứ. Nơi dừng trụ của nghiệp. Tức là nền tảng để thành tựu Thiền định, hoặc là đối tượng để tu tập Thiền định. Đây là 1 trong những giáo nghĩa trọng yếu của Phật giáo Nam truyền. Khi tu tập Thiền định, hành giả ắt phải lựa chọn phương pháp cũng như đối tượng quán tưởng sao cho phù hợp với căn tính của mình hầu phát huy được hiệu quả thiền định. Phương pháp và đối tượng ấy chính là Nghiệp xứ. Cứ theo luận Thanh tịnh đạo thì có 40 loại Nghiệp xứ: 1. Mười biến xứ: Đất, nước, lửa, gió, xanh, vàng, đỏ, trắng, ánh sáng, hạn định hư không. 2. Mười bất tịnh: Tướng chương sình, tướng xanh bầm, tướng thối rữa, tướng rã nát, tướng chim mổ ăn, tướng xương vương vãi ngổn ngang, tướng chém chặt đứt đoạn, tướng máu chảy, tướng dòi bọ rúc rỉa, tướng xương khô. 3. Mười tùy niệm: Niệm Phật, niệm pháp, niệm tăng, niệm giới, niệm xả, niệm thiên (trời), niệm tử (chết), niệm thân chí, niệm an ban, niệm tịch chỉ (ngưng lặng). 4. Bốn phạm trụ: Từ, bi, hỷ, xả. 5. Bốn vô sắc: Không vô biên xứ, Thức vô biên xứ, Vô sở hữu xứ, Phi tưởng phi phi tưởng xứ. 6. Tưởng thực yếm. 7. Bốn giới sai biệt. Bảy hạng mục trên đây cộng chung lại thành 40 nghiệp xứ. Ngoài ra, Thanh tịnh nghiệp xứ nói trong kinh Quán vô lượng thọ thường được giải thích là: Nơi(Tịnh độ) do nghiệp thanh tịnh cảm được và được xem là tên khác của Tịnh độ. Nhưng nguyên ngữ tiếng Phạm Karma-sthàna hoàn toàn không có ý nghĩa là nơi do nghiệp cảm được mà chỉ nên hiểu là sự quán tưởng về Phật và cõi Tịnh độ của Ngài. Pháp quán tưởng Nghiệp xứ này hiện nay thịnh hành ở các nước Phật giáo Nam truyền và do sự chú trọng đặc biệt đến việc truyền thừa giữa thầy trò, nên đã có khuynh hướng bí truyền mà sản sinh ra Nghiệp xứ A xà lê (Phạm:Karma-sthànàcàrya). [X. Thiện kiến luật tì bà sa Q.1; Quán vô lượng thọ kinh sớ Q.thượng; Quán kinh sớ Q.2].