NGHIỆP QUẢ, VỌNG TƯỞNG
(Thư Học Phật Số 108)
Btg Bảo Đăng

HỎI:

1- Làm sao biết được NGHIỆP QUẢ từ quá khứ. 
2 -Phương cách Niệm Phật không bị VỌNG NIỆM. 

Chúng tôi đọc nhiều phương cách tu tập để không bị vọng niệm, nhưng cũng rất là khó mà không bị vọng niệm, chúng tôi đã tìm nhiều cách tu tập khác nhau. Đến nay cũng chưa được thanh tịnh, tu tập vẫn còn động niệm nhiều quá. Ăn chay, niệm Phật, tụng kinh hằng ngày, hằng đêm, đi Phật thất, tham dự những khóa tu học khắp nơi.vv….vậy mà vẫn chưa được lắng lòng, tâm chưa được an, niệm Phật chưa được nhất tâm, mỗi khi vào thời khóa tu thì vọng niệm cứ tràn ra như thác lũ, bệnh tật thì rề rề mãi không dứt, thân thể đau nhức, phiền não không nguôi, nên thường hay giải đải, không còn hăng hái tu niệm như xưa… chúng tôi vẫn biết tất cả đều do NGHIỆP QUẢ, hoặc OAN GIA khảo đảo…mong cô chỉ dạy cho, chân thành cảm tạ.

ĐÁP: 

A-DI-ĐÀ PHẬT, Phật tử nào gặp Bảo Đăng cũng đều than, buồn giống nhau như vậy hết. Những lá Thư Học Phật trước cũng có rất nhiều người hỏi như thế, và cũng đã có giảng rất nhiều về vấn đề nầy rồi (Xin xem lại những số trước). 

Phàm đã làm một phàm phu rồi thì làm sao tránh khỏi vọng niệm, oan gia đáo đầu, nghiệp báo kéo đến cho được! 

Xin hỏi: Những điều đó từ đâu mà có? Ai mang lại cho mình? Quý vị hãy lắng lòng mà nghĩ cho thật kỹ, thật sâu sẽ giải đáp được tất cả NHÂN duyên (thiện, ác) của chúng ta đã gây tạo trong quá khứ và kiếp đời nầy. 

Có phải do cha mẹ, anh em, vợ chồng, con cái, bạn bè, họ hàng hay ông chủ hảng, những người làm chung, hay những tin tức thế giới, những chuyện kinh dị, những hình ảnh ma quái trên Youtube, những lời thị phi. vv… 

Quý vị đã tu tập lâu rồi, cũng đã thấy, biết, nghe có rất nhiều người tu hành gần cả đời người mà tâm tánh vẫn còn tranh chấp, sân hận, phiền não, cho nên bệnh tật khó dứt. Nhiều khi còn quá nhiều tánh sân, chấp, khó khăn và buồn phiền những chuyện vừa ý hay không vừa ý, đôi khi còn lẫy lừng hơn xưa nữa. 

Tại sao vậy?

Hôm nay Bảo Đăng mượn trang giấy nhỏ nầy xin giải đáp một phần nhỏ nào đó thôi, chứ mà nếu kể ra cho hết tất cả “tâm bệnh” của chúng sanh thì cả hư không cũng không thể nào có đủ chỗ để chứa! 

Phải biết, một đứa bé mới chào đời đã mang theo dính bên mình những nghiệp thiện hoặc ác, có phước hay bạt phước, phước lớn hay phước nhỏ. Từ “tâm tánh” (hiền lành, hoặc sân si) cho đến “sắc dóc” (đẹp, xấu) đều tùy thuộc vào NGHIỆP NHÂN đã gây tạo trong quá khứ. Kiếp nầy mang theo hết bên mình những chủng tử thiện hoặc ác đó. Khi gặp đúng thời, đúng lúc, đúng nơi, đúng người, đúng chỗ thì nó sẽ xuất hiện mà không có một thứ gì có thể cản ngăn được nó, không một ai có thể tránh khỏi. Có người thì được tỏa sáng, vang danh, tiền của dư thừa. Có người mất hết cả tài sản, thân bại, danh liệt, gia đình tan nát, có người còn mất luôn cả thân mạng nữa. 

Khi còn trẻ, thân khỏe, giàu sang, phú quý không biết tránh gieo nhân xấu, ác, mà còn bỏn xẻn, tham cầu không biết đủ, cướp của, giết người, hại vật không biết chán. Những kiếp sau nầy phải lãnh hết những NGHIỆP QUẢ ác đó mà vẫn không biết hối cải, ăn năn để tu hành, làm lành, tránh ác, mà trái lại còn bất mãn, kêu la, than khóc, oán trời, trách đất, nói rằng: 

Tại sao tôi ăn ở hiền lành, có tu hành (ăn chay, niệm Phật) mà sao gặp toàn là QUẢ BÁO ác không vậy Trời! 

Phật dạy:

Giả sử bá thiên kiếp,
Sở tác nghiệp bất vong.
NHÂN duyên hội ngộ thời,
QUẢ báo hoàn tự thọ.

Nghĩa là: 

Giả sử trăm, ngàn kiếp,
NGHIỆP gây tạo vẫn còn.
NHÂN duyên khi đầy đủ,
QUẢ báo đến không sai.

Cho nên, muốn biết kiếp trước ta đã gây tạo những ác nghiệp gì, hãy xem cái QUẢ đời nầy thì sẽ biết ngay. Muốn biết cái QUẢ kiếp sau ta sẽ ra sao (giàu nghèo, đẹp xấu) hãy xem cái NHÂN (mà ta đã gieo trồng) ở hiện tại (thiện hay ác). 

Dục tri tiền thế nhân,
Kim sanh thọ giả thị.
Dục tri lai thế quả,
Kim sanh tác giả thị.

Hãy nhìn ra ngoài xã hội, ta thấy những người giàu sang bây giờ, đó là những người có bố thí, cúng dường đời trước. Còn những người bần cùng, khốn khổ, đói rách đời nay, đó là những người mà kiếp trước chẳng những họ không chịu, không biết bố thí, cúng dường, mà trái lại còn tham xan, bỏn xẻn, ích kỷ. 

Kiếp nầy, chúng ta may mắn có được thân người, gặp được chánh pháp, tu tập đúng pháp môn, thì dù cho có gặp nhiều cảnh duyên trái lòng, nghiệp quả kéo đến không hiền thì phải nghĩ rằng : Ta là người rất là may mắn nhất. 

Tại sao?

1.- Vì ta chưa bị đọa vào 3 ác đạo (địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh).

2.- Vì kiếp nầy ta còn được làm người, lại có đạo tốt, có tu tập, có ăn chay. Nhất là có NIỆM PHẬT, thì PHẬT sẽ đưa đường, dẫn lối, giúp cho ta hóa giải được nghiệp ác và gia hộ cho ta thoát khổ vậy. Người chuyên cần NIỆM PHẬT thì phải luôn hiểu rõ phương cách tu tập đúng như pháp: 

Miệng NIỆM PHẬT, tâm phải quán PHẬT,
Nếu quán sai, hồn vía sẽ phai.
Thân người mất, khó mà lấy lại,
Tâm có PHẬT, thành Phật chẳng sai. 

Bảo Đăng cảm tác 4 câu kệ nầy gởi đến những huynh đệ đang NIỆM PHẬT, đang tu theo pháp môn Tịnh Độ, chỉ thẳng cho ta thấy rõ cái tâm hiện hữu của mình, thấy rõ được tâm Phật nhiều, hay tâm ma nhiều, ta gieo NHÂN nào, thì ta hái QUẢ đó, không sai. 

Ví như nước trong hồ bị đục, dơ phải tìm hiểu nguyên nhân nào đã làm cho nước bị đục, bị dơ. Rồi tìm phương cách đối trị nó mới đúng. Chứ không phải vừa thấy nước bị đục, bị dơ nhiều quá rồi lật đật đi tìm đủ loại thuốc đổ vào để tẩy sạch đi. Không những không bớt đục mà càng làm cho nước bị đen thêm, trước ít có mùi, nay càng xông lên mùi hôi thối, thì khó mà cứu giải cho được lắm. 

Cũng vậy, TÂM chúng sanh chúng ta đầy ấp vọng tưởng, TRÍ đen tối như mực, NGHIỆP quả nặng quằng gánh tủi, rất khó trở lại tánh bổn thiện (nhân chi sơ tánh bổn thiện). Như vậy chúng ta đành bó tay sao? PHẬT là vị thầy thuốc giỏi, điều trị hết tất cả “tâm bệnh” của 12 loại chúng sanh, cho nên: 

Chúng sanh đa bệnh, thì BỒ TÁT đa hạnh.

HỎI: Thế nào là 12 loại chúng sanh, tôi chỉ nghe có 4 loại?

ĐÁP: 12 loại chúng sanh gồm có: 

1.-Noãn sanh (sanh bằng trứng)

2.-Thai sanh (sanh bằng bào thai)

3.-Thấp sanh (sanh bằng cách thọ khí ẩm thấp, dưới nước)

4.-Hóa sanh (sanh bằng cách ly nguyên thể (biến hóa)

5.-Loài hữu sắc (có thân sắc tướng – chúng sanh trong 2 cõi Dục giới và Sắc giới)

6.-Loài vô sắc (không có thân sắc tướng, như chư Thiên cõi Trời vô sắc, như hồn ma.vv)

7.-Loài hữu tưởng (có tâm tưởng – chỉ chung cho tất cả chúng sanh trong 3 cõi).

8.-Loài Vô tưởng (loại không có tâm tưởng – như chư Thiên ở cõi trời vô tưởng)

9.-Loài phi hữu sắc (chẳng phải có sắc thân – như là các loài vi trùng cực kỳ nhỏ, mắt thường không trông thấy được, không có nghĩa là không có thân (tức là cũng có thân nhưng quá vi tế, quá cực nhỏ giống không có thân vậy, phải dùng kiếng hiển-vi mới thấy được – Phi hữu sắc). 

10.-Loài phi vô sắc (chẳng phải là không có hình sắc, tướng mạo đâu – có nhưng mà nhục nhãn (mắt phàm) không thấy được, chỉ có Phật nhãn mới thấy được mà thôi. 

11.-Phi hữu tưởng (chẳng phải có tưởng) – như cây, đá, nó vốn là loài không tưởng, nhưng vì có yêu, quỷ, vong ma dựa vào nên nó thành ra “như có tưởng” (mà thật ra nó vốn là loài vô tưởng). 

12.-Phi vô tưởng (không phải là không có tưởng) chẳng hạn như:

– Chư Thiên ở cõi trời Phi-tưởng Phi-phi tưởng (Trời vô sắc).

– Như loài sứa biển, nguyên thật chất của nó là bọt biển (vô tưởng), nhưng vì có hồn vong linh (chết dưới biển) nhập vào, nên nó thành ra con sứa có tưởng – nếu nói không có tưởng thì cũng không đúng, vì nó cũng biết đau…còn nói nó có tưởng thì cũng không đúng, vì thật chất của nó là khối bọt biển thì làm sao có tưởng? 

Đây chỉ nói sơ qua 12 loại chúng sanh, có tình thức, có loài biết vui buồn, biết phân biệt, biết ham sống sợ chết.vv… 

Nói rộng ra thì có đến vô lượng các loài chúng sanh. Còn trong kinh gọi một tên khác nữa là “Hàm linh” có nhiều tướng dạng khác nhau, lớn thì như non núi, nhỏ cho chí đến bằng sợi lông, hạt bụi, hoặc hơn nữa (mắt phàm không thấy được). Các loài hàm linh nầy đều có một đời sống hoặc dài, hoặc ngắn khác nhau. Nói rộng ra là như vậy. 

Còn nói lược lại thì chỉ có 4 loại Hàm linh, đó là:

– Thai sanh hàm linh,
– Noãn sanh hàm linh,
– Thấp sanh hàm linh,
– Hóa sanh hàm linh.

Phật dạy: 

1.- Thai sanh: Là CON thọ khí phần của cha mẹ mà sanh ra – khí phần nầy gồm có 4 thứ: – Đất (xương thịt), Nước (tinh huyết của cha mẹ), Gió (các sự vận động, co duỗi. vv…), Lửa (hơi nóng, thân nhiệt). 

Muốn được sanh vào loài người (bào thai của mẹ), thì thân (trung ấm) đó phải hội đủ 3 điều kiện về : “Đồng nghiệp giao cảm” “hấp dẫn” nhau sau đây: 

a/- Nương nơi nghiệp báo riêng của mình.

b/- Nương nơi nghiệp báo riêng của cha.

c/- Nương nơi nghiệp báo riêng của mẹ. 3 nghiệp nầy bắt buộc phải “giống nhau”, gọi là ĐỒNG NGHIỆP giao cảm (báo), mới hấp dẫn được nhau mà vấn vít, sanh sản. 

Thí dụ: Cha là Vua (có phước nghiệp), Mẹ là hoàng hậu (có phước nghiệp) Thì cái hồn (trung ấm thân) đầu thai làm con cũng phải có “phước nghiệp vua chúa” giống như cha mẹ vậy thì mới vào bào thai (mẹ) được. Chứ như cha mẹ là Vua, còn hồn đầu thai là ăn mày (vô phước nghiệp) thì không thể nào lọt được vào trong bào thai (của hoàng hậu) để sanh ra làm con của Vua được cả. 

Kinh dạy:

1/- Hoặc cha mẹ tôn quý mà trung ấm ti-tiện. Hoặc trung-ấm tôn quý mà cha mẹ ti-tiện. Cũng chẳng thành thai.

2/- Hoặc cha mẹ và trung ấm đều tôn quý cả mà nghiệp duyên chẳng hòa hiệp (giống nhau), cũng chẳng thành thai. 

3/- Hoặc cha mẹ và trung âm đều cùng ti-tiện cả, mà nghiệp duyên chẳng hòa hiệp, cũng chẳng thành thai. 

Vì vậy cho nên:

Loài Thai sanh hàm linh, thì cũng ứng theo “TÌNH ÁI” (Của cha mẹ khi giao hợp, cùng với ái niệm điên đảo của trung ấm thân) mà sinh ra.

Loài Noãn sanh hàm linh, thì ứng theo “LOẠN TƯỞNG” mà sanh (tức là cũng có tình ái, cũng có thương tưởng nhau, nhưng hỗn loại, không chuyên nhứt).

Loài Thấp sanh hàm linh, thì ứng theo “HIỆP” mà sanh (tức là nương nhờ và phụ trợ theo cái khí lạnh, hoặc nơi chỗ ẩm-ướt mà sanh ra).

Loài Hóa sanh hàm linh, thì ứng theo “KIA”, bỏ thân nầy hóa ra thân khác – (như vòi hóa ruồi, sâu hóa bướm, lăng quăng hóa muỗi, cỏ mục hóa đơm đốm, lá khô nát hóa ra ve sầu.vv…).

Xin hỏi:

– Do nơi nghiệp báo thế nào mà cảm sanh ra ở nơi bốn loài “TỨ SANH HÀM LINH” như vậy?

Kinh dạy:

1/- Thai sanh: – Là do nơi đời trước tham mê, đắm đuối nơi sự dâm dục nên đọa vào loài thai sanh như người, heo, dê, trâu, bò, chó, ngựa. vv…. 

– Tội tham dâm ấy như sanh ra làm “người” thì đặng đứng thẳng lưng.

– Nếu như lòng ngang ngược, tham dục không tiết độ thì sanh ra làm loài “thú vật”, xương sống nằm ngang, đi bằng bốn chân.

2/- Noãn sanh:

– Là do đời trước (khi còn làm người), vì sự sinh sống nên tâm hay sắp đặt mưu-mô, xảo-trá, lừa gạt người khác, nên đọa làm loài sanh bằng trứng như chim, cá.vv…

Trong loài noãn sanh nầy nếu như:

– Người bày mưu kế quá cao thì sanh ra làm chim, thấy người thì bay cao lên. 

– Người bày mưu kế quá sâu thì sanh ra làm cá, thấy người thì lặn sâu (xuống nước).

3/- Thấp sanh:

– Do nơi đời trước (khi còn làm người) tham ăn thịt, uống rượu cho là việc vui chơi, lại nữa hay ham ưa đánh lộn ở giữa nơi chợ búa, giữa chốn đông người, loạn tâm điên đảo…cho nên bị đọa làm loài thấp sanh như tôm, cua, rùa, trạnh.vv…

4/- Hóa sanh:

– Do đời trước (khi còn làm người) tâm thường hay dời đổi, ý niệm thất thường, ba hồi thế nầy, bốn hồi thế khác, biến hóa liền liền, trước mặt nói tốt, sau lưng nói xấu, làm nhiều tội ác, nên bị đọa vào loài “hóa sanh” như : ruồi, muỗi, bướm, ve.vv…. 

Trong 4 loài HÀM-LINH nầy, thì loài NGƯỜI là quý trọng nhất, vì PHẬT, TIÊN, THẦN THÁNH cũng từ loài người mà thành. Song 4 loài Hàm-Linh (thai, nõan, thấp, hóa) nầy vốn không cố định, cho nên có khi: 

– Loài thai sanh lại chuyển ra thành loài noãn, thấp, hóa sanh.

– Loài noãn, thấp, hóa lại chuyễn ra thai sanh.vv…

Vì thế nên có khi:

– Loài người chết rồi đầu thai trở lại làm thú vật, thú vật chết đầu thai trở lại làm người. Hoặc là lòai bay (chim) mà trở thành thứ lặn, như chim se sẻ hóa thành con vọp. Hoặc loài lặn mà hóa thành loài bay, như cá hóa rồng.vv… 

Bốn loài hàm linh nầy thay hình, đổi xác, quay lộn luôn luôn, tùy theo các hành nghiệp (thiện, ác) đã gây tạo ra ở nơi quá khứ, hoặc ở nơi hiện đời, mà thọ thân tội báo trong 6 nẻo luân hồi. 

Do vì như vậy, cho nên chúng sanh chúng ta cứ mãi nối tiếp nhau hoài mà không bao giờ hết cả. 

Tất cả chư Phật, chư Bồ Tát thấy thế, nên động lòng từ bi, thị hiện ra đủ mọi loại thân hình, dùng đủ mọi loại phương tiện thiện-xảo, phát ra đủ mọi đại nguyện để độ các chúng sanh, khiến cho được lên bờ giải thoát. 

Tóm lại, tất cả thứ bệnh mà chúng ta đang mang đều do nghiệp quả trong quá khứ mà chiêu cảm lấy, khó mà thoát ly được. 

Huynh đệ có học Phật pháp, cũng hiểu rằng: 

PHẬT, CHÚNG SANH TÁNH THƯỜNG RỖNG LẶNG. Vì thế, TÂM PHẬT với TÂM CHÚNG SANH VẪN KHÔNG HAI (nghĩa là một), Nhưng, MỘT “NIỆM” VỪA SANH, BỖNG THÀNH HAI, là như vậy. 

Vì chúng sanh chúng ta “niệm niệm” nối luôn không dứt từ kiếp nầy qua kiếp khác, từ vô thỉ kiếp cho đến nay vẫn không thể nào dứt được. Vì chúng ta đã “quên mất” cái Phật tánh của mình, nên phải lâm vào trong cảnh Phật với chúng ta ngày càng xa cách, thành hai lối rẽ dẫn chúng ta lạc vào 3 đường (ác), 6 nẻo luân hồi, biết đến bao giờ mới thoát ra được? 

Trở lại câu hỏi trên. Hằng ngày trong đời sống cái gì làm cho 6 căn (nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý) của chúng ta bị lôi cuốn, bị mê mờ. 5 ấm (sắc, thọ, tưởng, hành, thức) lẫy lừng, sanh ra biết bao cái tâm phan duyên (phân biệt), gây tạo không biết bao nhiêu là nghiệp quả. 

Phật dạy rõ 3 điều:

1.- Sự lôi cuốn hay sự vui hưởng.

2.- Hậu quả xấu hay nguy hiểm hoặc sự bất mãn.

3.- Sự giải thoát hay tự do.

– Khi ta thấy một người đẹp, duyên dáng, vui vẻ, ta thích họ ngay, ta đã bị “lôi cuốn”, vì ta muốn thấy đi thấy lại người đẹp đó hoài, ta cảm thấy khoái lạc và mãn nguyện từ nơi đó. Nhưng sự “vui hưởng” đó không bền lâu, cũng như người kia và những vẻ đẹp “lôi cuốn” của cô ta cũng không tồn tại nữa. Khi hoàn cảnh thay đổi, không còn thấy người đó nữa, lòng ta trở nên buồn bã giống như bị ai cướp mất đi niềm vui nhất, đã làm cho ta buồn muốn phát điên lên. Đấy là “điều xấu”, ý nghĩ không tốt và “nguy hiểm” cho tâm ta đó. 

Còn như ngược lại, nếu ta chẳng có gì để lưu luyến người đó, chợt đến chợt đi như kẻ qua đường, hoàn toàn không dính mắc, thì đó là “tự do”, “giải thoát”. 3 điều trên đúng cho tất cả mọi sự hưởng thụ trong đời. 

Kế đến, mọi thứ đau khổ như “sanh, lão, bệnh, tử”, đôi khi ta cũng tiếp xúc với những người: 

– Với hoàn cảnh trái lòng (oán tắng hội (khổ),

– Phải xa lìa những người thương và hoàn cảnh mến yêu (ái biệt ly (khổ),

– Không được những gì ta mong muốn (cầu bất đắc (khổ)

– Buồn, thương, đau khổ, tất cả khổ về thể xác cho đến tinh thần (ngũ ấm xí thạnh (khổ).

Những điều mà chúng sanh thường chấp nhận là “đau” và “khổ” (khổ, khổ lẫy lừng). Phải thành thật nhìn vào tâm của ta, như nhìn vào mặt ta trong gương : Xem có cái KHỔ nào mà ta không có mắc phải. Ta phải hoàn toàn nhận thức rằng: 

– Tâm ý ta đang mắc lưới đời hay đang tự do?

Đang chứa đầy sự hận thù, ghen ghét, sân tức, mê mờ, bỏn xẻn, tham cầu, chấp nhất, ác độc, hay tâm thức ta chan hòa tình yêu thương, bác ái, chất chứa toàn là “từ, bi, hỷ, xả”. 

Có đôi khi chúng ta cảm thấy hổ thẹn, không dám nhìn thẳng vào tâm ý của chính mình, mà luôn lẫn tránh nó. Phải can đảm ngắm nhìn, quan sát, xem xét cái tâm ý của ta, cũng giống như mình soi gương mỗi ngày. Kỹ lưỡng nhổ từng sợi lông mày, lông mặt, tẩy sạch những vết nám, tàn nhang, mụn cám, đắp mặt giúp cho da được sáng sạch…thì cũng thế. 

Mỗi ngày dành chút ít thời giờ để quán sát, kiểm tra lại “tâm ý” của ta trong ngày hôm đó, xem có gây tạo điều gì bất chánh, bất thiện từ nơi “thân, khẩu, ý” làm trái với lời Phật, ý Tổ đã dạy hay không, thì sẽ nhận thức rõ tâm ta “đục hay trong”, “chánh hay tà”, “thiệc hay ác”, “vọng niệm” nhiều hay “chánh niệm” nhiều, có “Phật tánh nhiều” hay có “ma tánh nhiều”. 

Hằng ngày chúng ta vì quá bận rộn cho công ăn việc làm, gia đình con cái, cha mẹ, bạn bè.vv…nên không thấy được những vọng tưởng đang lẫy lừng. Tâm và não chứa đầy ấp niệm trần lao, không niệm nào mà không lọt vào tai. Khi tịnh tâm công phu, tâm từ từ lắng đọng thì tất cả những niệm tưởng (thiện ác) trong tâm thức ồ ạt lần lượt trước sau được tống ra ngoài, hiện ra như một cuốn phim được quay ngược vậy. 

Đa phần người ta thường hay nghĩ tưởng đến việc vui buồn, sân hận từ trong quá khứ hoặc trong tương lai, chứ ít khi sống với hiện tại. Mặc dù đang làm việc gì ở đây và hiện giờ. Nhưng kỳ thật, họ đang sống ở một nơi nào khác trong tâm tưởng họ, trong những âu lo và những vấn đề mơ tưởng, những khao khát ở tương lai, và thường nhớ đến những chuyện hận thù, thương ghét, sân tức và nuối tiếc những việc trong quá khứ. Cứ như vậy mà ôm ấp mãi không thể nào buông bỏ được. Bởi vì đa phần người ta không hề an vui với đời sống hiện tại, không thấy hạnh phúc những gì đang có, không thỏa mãn với công việc đang làm. 

Do đó nên sanh tâm bất mãn và cảm thấy bất hạnh với đời sống hiện tại. Mỗi khi bạn bè gặp nhau thì luôn than trách, kể lễ nhắc đi nhắc lại những chuyện quá khứ hoài, không những không giúp ích gì cho bản thân, mà còn làm buồn lòng cho những người đang sống quanh ta ở hiện tại (như vợ con). 

Ta không thể quay trở lại với quá khứ. Vì quá khứ không thể mang lại cho ta hạnh phúc. Cũng như thân thể ta càng ngày càng suy yếu, sẽ không trở lại một thiếu niên khỏe mạnh như xưa cho được. Hằng ngày chúng ta còn phải đối đầu với cuộc sống khó khăn hiện tại, sự sống chân thật là lúc hiện tại – không phải ký ức về quá khứ, vốn đã chết và đã đi qua rồi. Cũng không phải những mơ mộng, tưởng tượng ở tương lai, vốn chưa tới. Suốt ngày tháng cứ sống trong ảo tưởng, buồn lo vớ vẫn không có thiệt. Thử hỏi, khi tu tập làm sao không khỏi vọng tưởng, làm sao nhất tâm cho được? 

Do đó ta không thể nào làm hết lòng, để chu toàn những sự việc của mình đang làm. Khi tu tập cũng không chí thiết, không đặt hết tâm thành để trì niệm. Miệng niệm PHẬT mà tâm tán loạn, dù niệm bể cổ vẫn hoàn không! 

Cho nên tu hoài mà vẫn không được tiến bộ. Càng ngày càng bận rộn với công việc làm ăn. Càng kiếm nhiều tiền bao nhiêu lại càng không thấy đủ, cho nên làm ngày làm đêm 2, 3 công việc mà vẫn thấy không vừa lòng. Hãy nhìn trong những quán ăn thấy người vừa ăn vừa đọc sách, vừa làm việc, trông rất là bận rộn, không có đủ thì giờ để mà ăn nữa. Mình tự hỏi họ đang ăn hay đang đọc? đang làm việc hay đang ăn? có người nói rằng: – Họ làm cả hai chuyện! 

Nhưng thật ra họ không làm được việc nào. Họ bị căng thẳng, rối ren trong tâm trí và họ không thưởng thức cái mà họ đang làm trong lúc đó.

Một người sống trong hiện tại, chấp nhận với đời sống thật sự đang có, dù có ở trong một tòa nhà sang trọng, tiền của dư thừa, hay ở trong một căn chòi lá, sáng cơm chiều cháo, làm lụng cực khổ, bị người đời cười chê hoặc mắng chửi, cũng an nhiên và chấp nhận cái nghiệp quả của mình không được may mắn như người. Vì kiếp xưa ta không khéo tu thiện nên kiếp nầy phải lãnh quả ác, rồi an nhiên mà tu sửa, sám hối cho nghiệp quá khứ, vui vẻ với cuộc sống thanh bần, là người biết đạo và hạnh phúc nhất. 

Phật dạy:

Quá khứ bất khả đắc, 
Tương lai bất khả đắc,
Hiện tại cũng bất khả đắc! 

Có Người hỏi Phật:

Vì sao những đệ tử ngài sống một cuộc đời đơn sơ và lặng lẽ, chỉ ăn một bửa cơm mỗi ngày, mà lại hoan hỷ như thế? 

Phật trả lời:

“Họ không ân hận vì quá khứ, họ cũng không trầm tư về tương lai, họ sống trong hiện tại. Bởi thế họ hoan hỷ những gì mình đang có trong tay. Vì trầm tư tương lai và ân hận quá khứ, là những người NGU khô héo như cây xanh bị chặt để dưới nắng”. 

1.- Mọi thứ trong xã hội đều là SẮC, THỌ, TƯỞNG, HÀNH, THỨC. Chúng sanh ham ưa gieo trồng đủ thứ hạt giống của 3 ác đạo, tham lam, mong cầu hưởng thụ vật chất, ai cũng thích sự đẹp đẽ, ăn mặc. Người giàu thì có năng lực truy đuổi những thứ ấy, kẻ không tiền thì cũng vì những thứ ấy mà lặn lội tìm cầu, dùng đủ mọi thủ đoạn để có được. 

2.- Nếu quyến luyến mọi thứ ở trần gian, những thứ SẮC, THANH, HƯƠNG, VỊ, XÚC, PHÁP, thì sẽ mãi luân hồi trong 4 loài hàm linh. 

3.- Người đời bị ngũ dục làm cho mê mờ. Chỉ vì muốn ăn ngon nên phải SÁT SANH để nuôi dưỡng thân mạng. Nhưng không biết rằng ăn thịt chúng sanh tức là ăn thịt của chính họ! Bởi vì, ăn một kí thịt nhất định phải trả khoảng tiền 200 ngàn đồng (12 đô) không thể tránh được. Do đó cả một đời người cứ phải trả nợ, đòi nợ, đời đời kiếp kiếp không thể thoát khỏi luân hồi. Huống chi những miếng thịt họ ăn có khi là thịt của cha mẹ họ? tất cả chúng sanh bị giết để ăn thịt, đều là họ hàng, quyến thuộc của họ trong nhiều kiếp trước. “Mày giết tao, tao sẽ giết mày”, cứ vậy nên mới có luân hồi, sanh tử. 

4.- Người đời cho rằng: Nếu không sanh đẻ, không có con thì khổ lắm, bị mắng chửi là “cây độc không trái, gái độc không con”. Buồn than, khổ sầu, đi chùa cầu xin cho có con…thấy nhà người ta con cái đầy nhà. Nhưng họ nào có biết đâu: 

– KHÔNG CON CÁI, TỨC LÀ ÍT OAN GIA, ÍT NỢ NẦN, ÍT KHỔ LO!

Khi xưa ba của Bảo Đăng thường nói: 

“Con là nợ, vợ chồng là oan gia, cửa nhà là nghiệp báo”! Không con, không vợ, không nhà là “tự do” là “giải thoát”, là sướng nhất! 

Cho nên, trong cuộc sống hằng ngày có biết bao là việc mang đến cho ta phiền não, khi lòng tức giận nổi lên, đeo đuổi chúng, chấp giữ chúng, lo âu, buồn vui, sầu khổ, thì tâm trí ta sẽ không thể khai mở được, vọng tưởng chuyện nầy, việc nọ chẳng thể yên lòng thì làm sao tu được. 

TÂM BÌNH THƯỜNG CHÍNH LÀ ĐẠO: Mỗi ngày cứ giữ tâm bình thường, sống bình thường đừng khởi lên niệm gì khác, hoặc phiền não, âu sầu, lo lắng, cũng không vui vẻ thái quá. Đối đãi với mọi người cũng bình thường, nghĩa là không tốt cũng không xấu, cứ tùy duyên mà đối xử, đừng lợi dụng họ mà thủ lợi, đừng làm tổn hại cho người. Lúc nào cũng phải chú ý đến sự KHỞI TÂM NIỆM, và sự SUY NGHĨ của mình. Khi có ý xấu lập tức dập tắt liền, dẹp bỏ ý định đó ngay. 

Phải hiểu rằng:

– Cái TÂM ở quá khứ đã qua rồi: – Không thể nắm giữ nó được.

– Cái TÂM hiện tại: – Không thể nắm giữ nó được.

– Cái TÂM ở tương lai: – Cũng không thể nắm bắt nó được. 

Vì thế, người muốn tu, có học Phật pháp phải y theo lời Phật dạy mà tiến tu, dù cho nghiệp nặng cách mấy kéo đến khảo đảo, cũng không thối tâm. Phải biết rằng: – Không phải chỉ có tí nghiệp đó thôi đâu, mà nghiệp chướng của chúng sanh chúng ta chồng chất cao như núi, sâu như biển, chằng chịt như rừng, đen như mực. Người không hiểu đạo luôn trách than, ai oán. Có người còn hăng say trên con đường tạo thêm nghiệp mới. Nghiệp đã nặng lại càng nặng thêm. 

Nếu chúng ta nhẫn nại, tu sửa, sám hối cho tội ác của mình, thì sẽ đi đến con đường hết nghiệp, tiến thẳng đến thế giới Cực Lạc. 

Chư Tổ dạy: “MỘT TẤC ĐẠO, CHÍN TẤC MA” (tức là ĐẠO thì ít, mà MA hay nghiệp chướng thì quá nhiều). Do đó, người tu càng tiến thì bao thứ vọng tưởng, ác niệm, thói hư, tật xấu chất chứa từ nhiều kiếp trước sẽ nổi lên. Khi ấy, phải chịu khó, chịu khổ hơn nữa, chịu nhẫn, chịu nhục mà Sám hối không ngừng, làm mọi việc lành, tâm không khởi lên một niệm gì bất mãn hay oán hờn. Từ từ nghiệp quả ác đó sẽ tiêu tan. Đến khi lâm chung sen vàng sẽ hiện ra rước mình về Tây Phương. 

Tới đây, xin kể một chuyện về NHÂN QUẢ như sau:

Thời đức Phật Ca-Diếp, trong nước Nhật Bản (Kosala), có làng nọ gồm có 1.000 gia đình làm nghề đánh cá. Trong ngày đó có người mới vừa cấn thai, cả làng không đánh được 1 con cá nhỏ nào. Từ đó trở đi làng đánh cá gặp nhiều tổn hại. Trong thời gian đứa bé còn trong thai, làng chúng bị lửa đốt cháy 7 lần, bị Vua xử phạt 7 lần. Dần dần họ rơi vào túng thiếu. Họ suy nghĩ: “giữa chúng ta phải có một người xui xẻo”. 

Họ chia làng thành 2. Bên nào có người mang thai thì tiếp tục bị tổn hại, còn bên kia thì tăng thịnh. Họ lại chia nhóm tổn hại làm hai, làm hai, làm hai nữa và cuối cùng tìm được gia đình của người mang thai đứa bé bất hạnh, gia đình ấy bị đuổi ra khỏi làng. Người mẹ mang thai phải tìm sống một cách khó nhọc, và sau đó sinh đứa con trai. Người mẹ nuôi dưỡng nó, tập cho nó đi, đứng, vững vàng, đặt trong tay nó một cái bát, bảo nó đi đến các nhà xin cơm, rồi người mẹ bỏ trốn! 

Từ đó nó sống một mình lang thang, tìm đồ ăn chỗ này, nằm ngủ chỗ kia, không để ý việc tắm rửa thân thể, và tìm sống một cách cực khổ. Nó dần dần lớn lên được 7 tuổi, xin đâu cũng không ai cho, phải lượm từng miếng cơm thừa nơi sàn nước rửa bát của các gia đình. 

Một ngày nọ, Ngài Xá Lợi Phất đang đi khất thực ở thành Xá-Vệ, thấy đứa bé đáng thương, khởi lòng từ bi với nó, gọi đến hỏi han. 

Nó nói:

– Thưa Ngài, con sống không nơi nương tựa, cha mẹ vì con sống quá mệt mỏi, nên đã bỏ rơi con rồi trốn đi”. 

Ngài hỏi:

– Con có muốn xuất gia không?

Nó trả lời:

– Dạ con muốn, nhưng ai sẽ xuất gia cho kẻ khốn cùng như con?

Ngài cười: Ta sẽ xuất gia cho con! Đứa bé mừng rỡ, sụp lạy. Vị Sư đem nó về săn sóc, tắm rửa cho ăn uống và thế phát. Khi đầy đủ tuổi nó được trao đại giới. Khi lớn tuổi được gọi là trưởng lão Losakatissa. 

Trưởng lão Losaka bạt phước, ít được đồ cúng dường. Hễ ai muốn đặt thức ăn vào bát của trưởng lão thì bỗng thấy bát của Ông đã tràn đầy thức ăn. Còn ai sớt chút cháo vào bát của Ông thì nơi dĩa của họ phần cháo đó tự biến mất. Sau một thời gian dài tu tập ông đã chứng quả A-la-Hán tối thượng. Tuy nhiên Ngài vẫn nhận thức ăn rất ít oi. Tuổi thọ của Ngài dần dần suy giảm, và ngày nhập Niết Bàn đã đến. Ngài Xá Lợi Phất biết điều nầy, muốn Trưởng Lão được no bụng một lần cuối, nên cùng ông vào thành khất thực. Nhưng hai vị không nhận được một cái xá chào nào, huống chi là miếng thức ăn! 

Ngài Xá Lợi Phất bảo:

“Thôi hiền giả hảy về pháp đường chờ đợi, Ta đi xin được thức ăn gởi về cho”. Nhưng những người được giao đem về đều quên đưa lại cho trưởng lão. 

Khi Ngài Xá Lợi Phất trở về, hỏi lại mới biết sự tình thì Ông cũng sắp ra đi. Ngài đích thân nhanh chóng (dùng thần lực) đến cung Vua Tần-Bà-Sa-La. Nhà Vua dâng lên các loại bánh ngọt. Ông mang về bảo trưởng lão Losakatissa hãy dùng bánh, trong khi ngài cầm bình bát đứng một bên. Trưởng lão vì lòng kính trọng nên không dám ăn trong tình trạng đó. Ngài Xá Lợi Phất bảo: 

“Này hiền giả hãy dùng. Ta sẽ cầm bình bát và đứng đây. Nếu ta rời bình bát này thì bánh sẽ biến mất”. 

Vì thế trưởng lão an trụ chánh niệm thong thả dùng bánh. Do thần lực của bậc tối thượng nên bánh ấy không biến mất. Hôm ấy, trưởng lão được ăn như ý, đầy đủ, no bụng. Sau đó ngài nhập Niết Bàn. Đức Phật đứng một bên chứng kiến thân được hỏa táng, các Xá lợi được thâu nhận và điện tháp được dựng lên. 

Đức Phật mới kể lại cho đại chúng biết: Thời đức Phật Ca Diếp, Tôn giả Losaka làm một Tỳ kheo trụ trì một Tịnh xá nhỏ nơi một ngôi làng và được một điền chủ hộ trì. Tỳ kheo ấy rất là trực tánh, hồn nhiên, giữ giới và chuyên tu tập thiền quán. Chợt có vị Sư già đã chứng quả A-la-Hán từ đâu đi đến ngôi làng gặp vị điền chủ. Vị điền chủ hoan hỷ kính phục phong cách của vị Sư nên đã đón tiếp mời mọc, cúng dường, nghe pháp, đảnh lễ. Ông thưa rằng: 

-Thưa Tôn giả, hãy đi đến ngôi Tịnh xá trong làng, chúng con sẽ đến yết kiến Tôn giả vào chiều nay. 

Vị Sư đi đến Tịnh xá, đảnh lễ Tỳ kheo trụ trì và sau khi xin phép, ngồi xuống một bên, vị trụ trì thân mật hỏi han. 

-Thưa hiền giả, hiền giả đã thọ thực chưa?

– Được dùng Rồi.

– Được tại đâu?

– Tại nhà người điền chủ trong làng của tôn giả.

Vị Sư hỏi chỗ nghỉ của mình, sau đó ngồi tọa thiền yên ổn đến chiều mới ra. Vào buổi chiều, người điền chủ đem theo hương hoa, đèn dầu đến hỏi vị trụ trì về vị Sư trưởng lão lúc sáng. Rồi ông đến đảnh lễ, ngồi xuống một bên nghe thuyết pháp. Sau khi nghe thuyết pháp, ông mời hai vị đến nhà vào ngày mai. 

Vị Trụ trì suy nghĩ:

“Điền chủ này đã bị phân tán. Nếu vị sư Trưởng lão này còn đây, điền chủ ấy sẽ không còn đếm xỉa đến Ta một chút nào nữa. Ta phải làm thế nào để vị ấy không ở được trong tịnh xá này!” 

Vị sư trưởng lão đọc được tâm niệm của vị trụ trì, nên lui về phòng tọa thiền. Hôm sau, vị trụ trì gọi khách bằng một cái gõ nhẹ trên cửa phòng cố ý không cho ổng nghe và ra đi một mình đến nhà người điền chủ. Người điền chủ đón tiếp vị trụ trì và hỏi thăm vị khách. “Tôi có gọi ông ta, nhưng ông ta ngủ say chưa dậy. Có lẽ vì bửa ăn tại nhà ông hôm qua chưa tiêu hóa nên ông mệt!”. 

Ở Tịnh xá, vị Sư trưởng lão A-la-hán đến giờ khất thực, cầm bình bát, đắp y bay lên hư không đến một nơi khác. 

Sau khi cúng dường các món ăn thượng vị lên trụ trì xong, người điền chủ gởi thức ăn về cho vị Tăng khách. Về ngang giữa đường, vị trụ trì đổ hết thức ăn ấy vào trong đóng lửa đang cháy bên đường. Đến tịnh xá, không thấy vị khách ở đâu hết, vị trụ trì suy nghĩ:

– “Có lẽ vị Sư ấy đã biết được ý định của ta nên bỏ đi rồi chăng? Ôi! Ta vì sự ích kỷ đã làm một việc không thích đáng”. 

Với ưu sầu ray rức, vị trụ trì ấy bỗng như kẻ không hồn và không bao lâu mệnh chung thác sinh vào địa ngục. 

Trong nhiều ngàn năm, nó bị thiêu đốt ở địa ngục. Hết thân địa ngục lại làm thân quỷ đói 500 năm, không ngày nào được no bụng. Chỉ có 1 ngày duy nhất nó được ăn no bởi đồ uế nhiễm của thai. 

Hết thân quỷ đói, nó sinh làm chó suốt 5 trăm đời. Trong thời gian nầy, nó chỉ được 1 ngày duy nhất được ăn no bởi thức ăn mửa ra. 

Bỏ thân chó cuối cùng, nó sinh làm người trong một gia đình nghèo ở nước Ca Thi. Từ khi nó sinh ra, gia đình càng trở nên nghèo đói cùng cực. Nó không bao giờ được húp đến nửa bát cháo thiêu. Cha mẹ nó không thể chịu được sự đói khổ quá đáng này, đã đuổi nó đi. 

Không nơi nương tựa, nó đi lang thang và đến thành Ba-la-nại. Lúc bấy giờ, Bồ Tát (là tiền thân Phật Thích Ca) sinh làm vị giáo sư nổi tiếng dạy nghề nghiệp cho 500 thanh niên. Dân Ba-la-nại trợ cấp đời sống cho những học sinh nghèo. Nó thuở đó tên là Mitavindaka được vào học nghề và được trợ cấp. 

Nhưng tánh tình độc ác, khó dạy hay đánh bậy và ham chơi. Được Bồ Tát khuyên dạy, nó cũng không nghe theo. Trong một lần gây gỗ với bạn bè, nó trốn đi lang thang đến một làng biên địa, làm thuê sinh sống. 

Tại đây nó sống với một người đàn bà nghèo khổ và sinh được 2 đứa con. Người làng thuê nó dạy họ với kiến thức trước đó, trả tiền và cho nó một cái chòi tại cửa làng. Từ khi nó đến ở, dân làng bị Vua xử phạt 7 lần, nhà cửa bị cháy 7 lần, hồ chứa nước bị cạn 7 lần. Đổ thừa cho nó, họ đuổi nó và vợ con đi. 

Nó đem vợ con đi lang thang lạc vào một khu rừng Dạ Xoa, bị chúng ăn thịt cả vợ lẫn con, chỉ một mình nó chạy thoát. 

Ngày kia nó đến bến tàu, xin làm thuê trên tàu đi biển. Khi tàu ra khơi được 7 ngày, bỗng nhiên tàu dừng hẵn lại như có ai nắm giữ. Chúng biết trên tàu có người xấu, nên rút thăm xem ai là người xui xẻo. 7 lần thẻ đều rơi vào nó. Chúng thả nó xuống biển trên chiếc bè nhỏ, và tàu lại tiếp tục ra đi. 

Nó nằm trên bè tre trôi lang thang trên biển. Do kết quả tu hành có giữ giới trong thời đức Phật Ca Diếp, nên bè tắp vào một hòn đảo, gặp một tòa lâu đài bằng pha lê có 4 tiên nữ. Nó sống hưởng lạc thú trong 7 ngày. Nó bị đuổi đi, lên bè trôi lang thang tới chỗ khác, gặp 8 tiên nữ trong một lâu đài bằng ngọc. Sau 7 ngày nó lại lang thang tới đảo khác, gặp 32 tiên nữ trong 16 lâu đài bằng vàng. 

Sau đó nó lại ra đi và gặp thành Dạ xoa ở giữa hòn đảo hoang. Có một nữ Dạ xoa sống với hình thức con dê, nó không biết, bắt lấy con dê để ăn thịt. Con Dạ xoa nữ nổi giận nhấc bỗng nó ném bay qua khỏi biển rơi xuống một bụi gai tại cái hồ khô nước. 

Lúc bấy giờ tại cái hồ ấy, ăn trộm thường hay đến giết dê của Vua. Các người chăn dê đứng núp rình ăn trộm, nó bị bắt kết tội trộm dê, đánh nó, trói dẫn về cho vua. 

Lúc đó Bồ Tát với 500 thanh niên đang đi ra khỏi thành để tắm. Thấy nó bị bắt, Bồ Tát liền xin Vua nhận đem về cho làm nghề nô lệ để tiếp tục học hỏi và sống với Bồ Tát. 

Kết lại, Tôn giả vốn là người hiền lành, thẳng tánh, tuy có tu hành, giữ giới, nhưng tâm “đố kỵ” chưa được diệt trừ, vẫn còn tiềm ẩn trong tâm thức. Đôi khi có người chia bớt quyền lợi của mình, tâm đố kỵ khởi lên mạnh mẽ, không ngờ Tôn giả đố kỵ với một người không còn lạc thú nào của tam giới (vì Ngài đã chứng quả vô sanh A-la-hán). 

Cuộc đời cuối cùng của Tôn giả quá thương tâm, ai nghe đến đều cảm thấy bùi ngùi rơi lệ. Cái đói khát đã đeo đuổi Tôn giả suốt bao nhiêu kiếp quá khứ và còn bám theo đến tận giờ phút chót. Chỉ vì đã đổ bỏ phần ăn cúng dường cho một bậc A-La-Hán mà phải chịu đựng sự đói khát cùng cực khó tưởng tượng như vậy! 

Giờ nhìn lại cái QUẢ của chúng ta hiện có, sẽ biết ngay cái NHÂN của ta đã gieo trong quá khứ, thiện nhiều hay ác nhiều. Rồi buông xả mọi sân hận, mọi ưu phiền, đúng phải cùng sai mà phát tâm tu sửa. Làm tất cả mọi điều thiện, hồi hướng cho Oan gia trái chủ, hoan hỷ với mọi người thân hoặc sơ. 

Luôn đem lại nụ cười thông cảm, và giúp đỡ những người cần giúp, sống bình thường với công việc hằng ngày, làm tròn bổn phận của mình với cha mẹ, vợ chồng, con cái. Từ từ mọi việc sẽ được hạnh thông, tâm sẽ được an bình trong cuộc sống, dù có gặp nhiều ngang trái, nhưng tâm vẫn bình thường đối đãi ôn hòa với mọi hoàn cảnh, chấp nhận những bất hạnh nếu có. Không nên than trách Phật Trời mà thêm lỗi. 

Vì trong cuộc đời chúng ta sẽ phải đối diện với những trường hợp tương tự. Sẽ gặp những người “tinh tấn” hơn ta, “tài giỏi” hơn ta, “đức hạnh” hơn ta, được sự “ưu ái, quý trọng” và “xinh đẹp” hơn ta. Lúc đó ta sẽ có dịp nhìn thấy mặt mày của sự “đố kỵ” bừng cháy dữ dội. 

Nếu muốn tu tập được kết quả tốt. Thì từ bây giờ, chúng ta nên lập tức dọn sạch những cái tâm ích kỷ, đố kỵ, ganh tỵ, tranh chấp, sân hận, phải quấy, thấp cao.vv…thì chúng ta sẽ tránh gây tạo thêm những tội lỗi. Kể từ bây giờ, ta phải thường nhắc nhủ với lòng, là sẽ hoan hỷ, vui mừng khi thấy có người vượt trội hơn ta về các phương diện. Có được cái tâm “TÙY HỶ” rồi, mới phát sanh được cái tâm TỪ BI. Nên quên và XẢ bỏ những cái tâm sân tức, hận thù trong quá khứ. Thì tâm sẽ được “trong sáng, nhẹ nhàng, trì chú, niệm Phật được nhập tâm rất dễ dàng, và sẽ đem đến cho chúng ta biết bao “công đức” mà không cần phải tốn nhiều công phu tu tập. Cố gắng.

Nam mô A-DI-ĐÀ PHẬT.