nghiệp nhân

Phật Quang Đại Từ Điển

(業因) Phạm: Karma-hetu. Nhân của nghiệp, có 2 nghĩa: 1. Nghiệp tức nhân (cũng gọi Nhân nghiệp): Nghiệp làm nhân sinh ra quả báo ở đời vị lai. Thành duy thức luận thuật kí quyển 8 phần đầu (Đại 43, 521 trung) nói: Nghiệp là gốc khổ, chính là nhân vậy. 2. Nhân của nghiệp: Nhân làm cho nghiệp sinh trưởng. Kinh Đại niết bàn (bản Bắc) quyển 37 (Đại 12, 585 trung) nói: Nghiệp nhân tức là Vô minh, Xúc. Vì Vô minh, Xúc nên chúng sinh mong cầu Hữu. Nhân duyên mong cầu Hữu tức là Ái vậy. Do nhân duyên ái mà tạo tác các nghiệp thân, khẩu, ý. Đây là giải thích nghĩa của Nghiệp nhân theo 12 nhân duyên. Còn theo luận Du già sư địa quyển 8 thì nhân của nghiệp ác có 12 loại sau đây: 1. Tham. 2. Sân. 3. Si. 4. Do sức mình tự tạo. 5. Do sức người khác tạo. 6. Bị cường quyền xua đuổi, bức bách mà tạo. 7. Do quá yêu thích vật sở hữu mà sinh tham muốn. 8. Do sợ hãi mà tạo nghiệp sát. 9. Vì sợ bị làm hại mà tạo nghiệp sát. 10. Vì vui đùa mà sát sinh. 11. Cho sát sinh là chính đáng nên tạo nghiệp sát. 12. Không tin luật nhân quả nên làm việc giết hại… [X. Du già luận lược toản Q.3; Du già luận lược toản kí Q.2 hạ; Câu xá luận quang kí Q.19]. (xt. Nghiệp).