nghiệp đạo

Phật Quang Đại Từ Điển

(業道) Phạm: Karma-màrga. Nơi mà tác dụng nghiệp được thể hiện, hoặc chỉ cho con đường chung về quả báo khổ vui của hữu tình chúng sinh. Thông thường, Nghiệp đạo được chia làm 2 loại: Thập thiện nghiệp đạo và Thập ác nghiệp đạo. Thuyết nhất thiết hữu bộ của Tiểu thừa dùng nghĩa sở hành (được thực hành) để giải thích nghiệp đạo, cho rằng trong 10 thiện, 10 ác, thì thân và khẩu ở mỗi nghiệp đạo đều có 7 thứ(thân 3, khẩu 4) và bản thân 7 thứ này tức là nghiệp, vì chúng là chỗ tác dụng của Tư nghiệp (ý chí, ý nghiệp), cho nên gọi là Nghiệp đạo. Vả lại, ý cũng có thiện và ác, ở mỗi nghiệp đạo đều có 3 thứ (vô tham, vô sân, chính kiến; tham, sân, tà kiến hoặc nghi). Bản thân 3 thứ này tuy không thuộc về nghiệp, nhưng khi chúng sinh ra thì Tư nghiệp liền lấy đó làm chỗ khởi tác dụng, vì thế chúng cũng là Nghiệp đạo. Kinh lượng bộ và tông Duy thức Đại thừa chủ trương Thập nghiệp đạo đều là nghiệp và gọi chung là Nghiệp đạo. Bởi vì Nghiệp đạo lấy Tư(gồm Động phát thắng tư, Thẩm lự tư, Quyết định tư) làm thể. Trong đó, Động phát thắng tư là loại tư chuyên phát động sự hiện hành của các hành vi nơi thân và khẩu (7 nghiệp đạo trước), nên gọi là Nghiệp. Nghiệp ấy lại trở thành nơi tác dụng cho Thẩm lự tư và Quyết định tư, cho nên cũng là Nghiệp đạo. Lại lấy Tư hiện hành làm nhân mà huân tập chủng tử Tư, cũng là Nghiệp. Ngoài ra, bản thân tham, sân, si, tức là nghiệp, từ tham sinh ra sân, do sân sinh ra si, trước có thể mở đường cho sau, hoặc xoay vần đắp đổi lẫn nhau mà tạo thành con đường chung cho luân hồi lục đạo, thế nên cũng gọi là Nghiệp đạo. Luận điểm này chính đã sử dụng 2 ý nghĩa sở hành và năng thông để giải thích Nghiệp đạo. Nhưng quá trình đưa đến việc hoàn thành Nghiệp đạo này có thể được chia làm 3 giai đoạn: 1. Gia hạnh (hành vi dự bị). 2. Căn bản (hành vi hoàn thành). 3. Hậu khởi (hành vi tùy thuộc sau khi hoàn thành). Trong đó, Căn bản tức gọi là Căn bản nghiệp đạo. [X. luận Câu xá Q.17; luận A tì đạt ma phát trí Q.11; luận Thành duy thức Q.1; luận Du già sư địa Q.8, 59, 60]. (xt. Thập Thiện Thập Ác, Nghiệp).