nghiệp báo

Phật Quang Đại Từ Điển

(業報) Cũng gọi Nghiệp quả. Từ gọi chung nghiệp và báo, nghĩa là sự báo ứng hoặc quả báo của nghiệp. Tức là quả báo khổ, vui do nghiệp nhân thiện, ác của thân, khẩu, ý, chiêu cảm. Cứ theo luận Thành thực quyển 7 thì nghiệp báo có 3 loại: Thiện, Bất thiện, Vô kí. Nghiệp thiện thì được quả báo tốt đẹp, nghiệp bất thiện cảm quả báo xấu ác, nghiệp vô kí (không thiện không ác) thì không mang lại quả báo. Phẩm Tam thụ báo nghiệp trong luận Thành thực quyển 8 (Đại 32, 298 thượng) nói: Nghiệp thiện được báo vui, nghiệp bất thiện được báo khổ, còn nghiệp bất động thì được báo không khổ không vui. Trong nghiệp báo, nghiệp quyết định vận mệnh của 1 người như nghèo, giàu, sang, hèn, sống lâu, chết yểu… gọi là Mãn nghiệp. Còn nghiệp quyết định tính cách và điều kiện sinh hoạt chung của mọi người, thì gọi là Dẫn nghiệp. Cái tướng chung của quả báo như thụ sinh làm người, làm súc vật… gọi là Tổng báo. Còn như, tuy cùng sinh làm người nhưng có sang hèn, trí ngu, đẹp xấu v.v… khác nhau, thì gọi là Biệt giáo. Chủ thể của quả báo, tức thân tâm của loài hữu tình, gọi là Chính báo; còn đất nước và các vật thụ dụng là chỗ các hữu tình nương tựa để mà sống, thì gọi là Y báo. Lại vì đất nước, núi sông v.v… là quả báo nhiều người cùng chung thụ dụng, do cộng nghiệp chiêu cảm, cho nên được gọi là Cộng báo. [X. kinh Trung a hàm Q.3, 14, 34; kinh Chiêm sát thiện ác nghiệp báo Q.thượng; luận Tạp a tì đàm tâm Q.1; luận Đại tì bà sa Q.124, 125]. (xt. Nghiệp).