nghĩa tịch

Phật Quang Đại Từ Điển

(義寂) I. Nghĩa Tịch (919-987). Cao tăng Trung quốc sống vào đời Tống, thuộc tông Thiên thai, người huyện Vĩnh gia, tỉnh Chiết giang, họ Hồ, tự Thường chiếu, người đời gọi sư là Tịnh quang đại sư, Loa khê Nghĩa tịch, Loa khê Tôn giả. Năm 12 tuổi sư xuất gia ở chùa Khai nguyên tại Ôn châu, 19 tuổi thụ giới Cụ túc. Sau, sư đến núi Thiên thai theo ngài Thanh tủng tu học chỉ quán. Sau khi ngài Thanh tủng thị tịch, sư xây dựng đạo tràng Loa khê làm cơ sở giảng thuyết, 4 chúng về tu học rất đông. Từ cuối đời Đường trở đi, vì loạn lạc liên miên nên sách vở của tông Thiên thai thất lạc gần hết, rất khó khăn cho những người hậu học, không biết nương vào đâu. Bởi thế, sư khuyên Ngô việt vương Tiền thúc sai sứ đến Cao li, Nhật bản tìm lại các bản sao chép kinh sách của tông Thiên thai, nhờ đó mà tông Thiên thai có cơ trung hưng. Tháng 10 năm Ung hi thứ 4 (987) sư thị tịch, hưởng thọ 69 tuổi. Sư có các tác phẩm: Chỉ quán nghĩa lệ, Pháp hoa thập sao. Đệ tử nối pháp có các vị nổi tiếng như: Nghĩa thông, Đế quán, Trừng dục, Tông dục v.v… [X. Thích môn chính thống Q.4; Phật tổ thống kỉ Q.8; Loa khê chấn tổ tập]. II. Nghĩa Tịch(? – ?). Cao tăng nước Tân la sống vào thời đại Thần văn vương. Sư thờ ngài Nghĩa tương làm thầy, thông suốt các kinh như Pháp hoa, Niết bàn, Bát nhã, Phạm võng v.v… Cùng với các vị Ngộ chân, Trí thông, Biểu huấn, Chân định v.v… là 10 đệ tử lớn của ngài Nghĩa tương. Sư có các tác phẩm: Phạm võng kinh Bồ tát giới bản sớ, Pháp học luận thuật kí. [X. Tân biên chư tông giáo tạng Q.1-3; Tam quốc di sự Q.4].