nghĩa thiên

Phật Quang Đại Từ Điển

(義天) I. Nghĩa Thiên. Gọi đủ: Đệ nhất nghĩa thiên, Đệ nhất nghĩa tịnh thiên. Chỉ cho chư Phật, Bồ tát trụ nơi đại Niết bàn, hoặc chỉ cho các Bồ tát giai vị Thập trụ. Bởi vì các Ngài khéo hiểu nghĩa của các pháp, cho nên dùng diệu lí Đệ nhất nghĩa không ví dụ là Thiên (trời), tức nghĩa Thiên trong Tứ thiên. [X. kinh Đại bát niết bàn Q.18, 22 (bản Bắc); Pháp hoa huyền nghĩa Q.4 phần trên]. II. Nghĩa Thiên. Chỉ cho Đại sư Từ ân (tức ngài Khuy cơ), vì ngài có năng lực hiểu thấu diệu nghĩa, nên gọi ngài là Nghĩa thiên. [X. Tống cao tăng truyện Q.7]. III. Nghĩa Thiên (1055-1101). Cũng gọi Đại giác Thiền sư. Sư là con thứ 4 của vua Văn tông nước Cao li, họ Vương, tên Hú. Sư xuất gia ở chùa Linh thông, học Hoa nghiêm, kiêm Nho học. Năm Tuyên tông thứ 2 (1085), sư cùng với đệ tử đáp thuyền buôn đến Trung quốc, dâng biểu lên triều đình xin truyền giáo nghĩa Hoa nghiêm, được vua Thần tông nhà Tống tiếp đãi trọng hậu. Sư lần lượt tham vấn hơn 50 vị Cao tăng thạc học của Trung quốc thời đó như các ngài: Phật ấn Liễu nguyên, Tuệ lâm Tông bản, Tịnh nguyên, Từ biện, Đại giác Hoài liễn, Phật nhật Khế tung v.v… sư học rộng các tông như: Hoa nghiêm, Thiên thai, Luật, Thiền… Ba năm sau (1088), sư trở về Triều tiên, mang theo hơn 1000 quyển kinh sách Phật, sáng lập chùa Quốc thanh, tuyên dương giáo chỉ Hoa nghiêm, Thiên thai. Sư tâu xin vua đặt cơ sở Giáo tạng đô giám ở chùa Hưng vương để cất giữ kinh điển Phật thỉnh về từ Trung quốc, Liêu và Nhật bản. Đồng thời sư biên soạn Tân biên chư tông giáo tạng tổng lục 3 quyển (cũng gọi Nghĩa thiên mục lục) và bắt đầu xúc tiến công việc ấn hành Tục tạng kinh Cao li gồm hơn 4.000 quyển ở chùa Hưng vương. Năm Túc tông thứ 6 (1101) sư thị tịch ở chùa Tổng trì, hưởng dương 47 tuổi, pháp lạp 36. Sư có các tác phẩm: Tân biên chư tông giáo tạng tổng lục, Viên tông văn loại, Thích uyển từ lâm, Đại giác quốc sư văn tập. [X. Thích môn chính thống Q.3; Phật tổ thống kỉ Q.14, 46; Thích thị kê cổ lược Q.4].