NGHI THỨC THẾ ĐỘ CƯ SĨ TẠI GIA

Đoàn Trung Còn dịch

Đời nhà Tống, vào năm 463, có vị sa-môn hiệu là Thích Tăng Cự đã soạn ra quyển Thập tụng Yết-ma yếu dụng. Chúng tôi trích lấy các bài văn sau đây, vốn rất được chuộng dùng trong các nghi thức truyền giới cho cư sĩ tại gia.

LÊ QUY Y – TRUYỀN NĂM GIỚI

Khi có người muốn tu tại gia, xin được thọ Tam quy và giữ theo Năm giới, vị thầy truyền giới trước hết dạy người ấy lễ bái Tam bảo: Phật, Pháp, Tăng. Kế đến, dạy người ấy quỳ xuống, chắp tay cung kính, tự sám hối tất cả những việc ác đã phạm vào trước đây bằng thân, miệng, ý.

Sau đó, vị thầy truyền giới dạy cho người ấy phát nguyện:

Đệ tử tên là … , kể từ nay cho đến trọn cả đời, nguyện quy y Phật là bậc cao quý định huệ đầy đủ, quy y Pháp là chỗ cao quý dứt hết tham dục, quy y Tăng là bậc cao quý trong chúng hội.

Lập lại câu ấy đủ ba lần, rồi thầy truyền giới lại dạy phát nguyện rằng:

Đệ tử tên là … , nay đã quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng. Giờ đây đệ tử ở trong đạo của đức Phật Thích-ca, rất muốn được thọ trì năm giới của hàng Phật tử tại gia, xin được chứng tri.

Người ấy lập lại đủ ba lần như vậy rồi, thầy truyền giới mới nói rằng:

Này đệ tử tên … , hãy lắng tai nghe cho kỹ. Đức Phật Thế Tôn Thích-ca Mâu-ni đã vì hàng cư sĩ tại gia mà truyền dạy năm điều giới luật. Đã là người tu hành tại gia đều nên tuân theo cho đến trọn đời. Những gì là năm điều giới luật? Đó là:

1. Trọn đời không sát sanh. Theo đó thì suốt đời không được phạm vào việc giết hại sanh mạng. Việc ấy đệ tử có thể vâng làm không?

Kẻ thọ giới đáp: Thưa được.

2. Trọn đời không lấy bất cứ vật gì của kẻ khác khi họ chẳng muốn cho mình. Theo đó thì suốt đời không được lấy bất cứ vật gì của kẻ khác khi họ chẳng tự ý đưa cho mình. Việc ấy đệ tử có thể vâng làm không?

Kẻ thọ giới đáp: Thưa được.

3. Trọn đời không tà dâm. Theo đó thì suốt đời không được phạm vào việc tà dâm. Việc ấy đệ tử có thể vâng làm không?

Kẻ thọ giới đáp: Thưa được.

4. Trọn đời không nói dối. Theo đó thì suốt đời không được phạm vào việc nói bất cứ sự gì sai sự thật, dù là lời đùa cợt. Việc ấy đệ tử có thể vâng làm không?

Kẻ thọ giới đáp: Thưa được.

5. Trọn đời không uống rượu. Theo đó thì suốt đời không được phạm vào việc uống các thứ rượu, như rượu nếp, rượu mía, rượu nho… hết thảy các thứ rượu, bia và những thứ có chất men, chất gây nghiện… Việc ấy đệ tử có thể vâng làm không?

Kẻ thọ giới đáp: Thưa được.

(Đến đây là hết phần nghi thức thọ Tam quy và truyền Năm giới cho hàng Phật tử tại gia)

2. LỄ THỌ BÁT QUAN TRAI GIỚI

Có nhiều người cư sĩ tại gia có tâm tu đạo, nhưng duyên nghiệp nặng nề, vướng víu chuyện gia đình, chuyện mưu sinh hàng ngày. Do đó, không thể thọ trì giới luật thường xuyên được. Tuy nhiên, Phật có chế phép thọ Bát quan trai, có thể giúp cho những người ấy cũng có thể tùy hoàn cảnh của mình mà tu tập. Dù không được như những người giữ giới lâu dài, nhưng nếu thành tâm thọ trì thì sự lợi ích cũng rất lớn lao.

Người thọ Bát quan trai phát tâm thọ giữ 8 giới. Nghĩa là ngoài 5 giới như đã nói trước, còn có thêm 3 giới nữa. Đó là:

1. Không nằm ngồi trên giường cao ghế rộng.

2. Không dùng các thứ hoa, hương, phấn sáp, dầu thơm để tô điểm trên thân thể.

3. Không tự mình ca hát, nhảy múa, hoặc đến xem người khác ca hát, nhảy múa.

Tuy nhiên, thay vì thọ trì suốt đời như Năm giới, người thọ 8 giới chỉ phát nguyện giữ giới trọn vẹn trong thời gian một ngày thôi. Thời gian một ngày ấy, trước kia thường là bắt đầu từ sau buổi trưa, rồi kéo dài cho đến buổi sáng ngày hôm sau. Tuy nhiên, ngày nay để cho thuận tiện, các chùa thường tổ chức cho thọ giới từ sáng sớm đến chiều tối. Việc ấy còn tùy theo điều kiện của mỗi nơi.

Thọ giới như vậy là một cách giúp người tu có dịp tĩnh tâm suy xét về những việc làm của mình, được nghe nhắc nhở về đạo pháp, và nhất là trong ngày thọ giới ấy còn được các thầy ở chùa tùy duyên thuyết pháp cho nghe nữa.

Một số chùa tổ chức cho thiện nam tín nữ về thọ Bát quan trai ở nhà chùa theo định kỳ. Hoặc mỗi tháng hai kỳ, hoặc một kỳ. Vào ngày ấy, người muốn thọ giới sẽ phải đến thưa với vị thầy truyền giới, rồi vị ấy tiến hành nghi thức truyền giới như trình bày sau đây.

3. NGHI THỨC THỌ BÁT QUAN TRAI GIỚI

Như có người đến xin thọ trì Bát quan trai giới, vị thầy truyền giới trước hết nên dạy người ấy lễ bái Tam bảo Phật, Pháp, Tăng, rồi sau đó quỳ xuống, chắp tay cung kính, theo lời dạy của thầy mà phát nguyện rằng:

Đệ tử tên là … , kể từ lúc này cho đến sáng sớm ngày mai, con nguyện quy y Phật, là bậc cao quý định huệ đầy đủ, quy y Pháp, là chỗ cao quý dứt hết tham dục, quy y Tăng, là bậc cao quý trong chúng hội.

Người thọ giới lập lại câu này đủ ba lần, rồi lại nguyện nữa rằng:

Đệ tử tên là … , kể từ lúc này cho đến sáng sớm ngày mai, đã quy y Phật là bậc cao quý định huệ đầy đủ, đã quy y Pháp là chỗ cao quý dứt hết tham dục, đã quy y Tăng là bậc cao quý trong chúng hội.

Người thọ giới cũng lập lại như vậy ba lần, rồi thầy truyền giới mới dạy cho nguyện tiếp rằng:

Đệ tử nay đã thọ pháp Tam quy rồi. Đệ tử trải qua bao đời từ vô thủy đến nay, trôi lăn trong dòng sanh tử, đã tạo rất nhiều nghiệp bất thiện. Về nghiệp của thân thì sát sanh, trộm cắp, tà dâm; về nghiệp của miệng thì nói dối, nói lời gợi dục, nói lời ác độc, nói lời đâm thọc, hai lưỡi; về nghiệp của ý thì tham lam, sân nhuế, ngu si, tà kiến… Tất cả những tội nghiệp như vậy, nay đệ tử hướng về mười phương chư Phật, chư vị Bồ Tát, chư hiền thánh đã đắc đạo, và bậc tôn sư hiện nay, thiết tha cầu xin được sám hối.

Đệ tử nay đã sám hối hết thảy tội nghiệp rồi, nên ba nghiệp thân, miệng và ý đều đã được thanh tịnh, trụ yên trong chỗ thanh tịnh. Kể từ lúc này đây cho đến sáng sớm ngày mai, đệ tử nguyện học tập làm theo chư Phật, nguyện không sát sanh, không trộm cắp, không dâm dục, không nói dối, không uống rượu, không dùng các thứ trang sức hương hoa phấn sáp dầu thơm để tô điểm thân thể, không nằm ngồi trên giường ghế cao rộng và không ca hát nhảy múa hoặc đi xem người khác ca hát nhảy múa, không ăn phi thời.

Người thọ giới lập lại câu này ba lần, rồi thầy truyền giới dạy cho nguyện tiếp rằng:

Đệ tử đã thọ nhận tám giới rồi, nguyện nhờ nơi công đức trì giới này, chẳng cầu sanh ra được hưởng những sự khoái lạc, vui sướng, chỉ cầu dứt sạch được hết thảy phiền não, sáng suốt hiểu rõ hết thảy các pháp, trọn thành Phật đạo.

(Người thọ giới nam hay nữ đều phát nguyện giống như nhau. – Đến đây hết phần nghi thức thọ tám giới.)