nghi quỹ

Phật Quang Đại Từ Điển

(儀軌) Phạm: Kalpa-sùtra. Gọi đủ: Bí mật du già quán hành nghi quĩ, Niệm tụng nghi quĩ, Bí mật nghi quĩ, Tam ma địa nghi quĩ. Cũng gọi: Tu hành pháp, Niệm tụng pháp, Cúng dường pháp, Tam ma địa pháp, Mật quĩ, Kinh quĩ. Từ gọi chung các kinh điển nói về những nghi thức, quĩ tắc trong Mật giáo. Vì các Tôn vị thuộc Mật bộ rất đông và pháp tu của các vị đều khác nhau, cho nên kinh quĩ cũng rất nhiều, không dưới con số 100 quyển. Từ đời Tống, Nguyên về sau, trong các bản Đại tạng kinh tuy đều có thu chép, nhưng đến nay đa số đã không còn lưu hành ở Trung quốc, mà chỉ còn được truyền bá ở Nhật bản. Các ngài Tối trừng, Không hải, Thường hiểu, Viên hạnh, Viên nhân, Huệ vận, Viên trân, và Tông duệ, lần lượt đến Trung quốc, tu học và viết chép rất nhiều kinh quĩ, rồi mang về Nhật bản hoằng truyền, người đời gọi là Bát gia tương thừa (Tám nhà truyền trao cho nhau). Vào thời đại Giang hộ, các nghi quĩ được thu chép trong Lục nội, có 187 bộ 324 quyển; ngoài ra, còn có những nghi quĩ được thu chép trong Lục ngoại là 133 bộ 180 quyển. Từ sau thời Minh trị, Súc loát Đại tạng kinh, Đại chính tân tu Đại tạng kinh đều có thu chép Lục nội, Lục ngoại và các loại nghi quĩ khác; Lục nội thu chép 570 bộ 931 quyển, Lục ngoại thu 612 bộ 961 quyển. Rồi Đại tạng kinh Tây tạng cũng có thu chép nhiều loại nghi quĩ. Đây là lí do cắt nghĩa tại sao đồ tượng của Mật giáo hết sức phức tạp, là vì có quá nhiều nghi quĩ. Những nghi quĩ ở Trung quốc được truyền đến từ Ấn độ, nghi quĩ Ấn độ là do bồ tát Long thụ truyền trao; những dịch giả chủ yếu là các Đại sư Thiện vô úy, Kim cương trí, Bất không v.v… [X. Chư nghi quĩ truyền thụ văn thư Q.9; Chư nghi quĩ bẩm thừa lục Q.7; Phật giáo thánh điển khái luận; Nhập Đường tân cầu thánh giáo mục lục].