Nghệ Sỹ Và Thiền Viện
Ni sư Như Đức

 

Cũng rất bình thường, cây sầu riêng trổ bông. Bắt đầu đơm nụ từ tháng Chạp, sang Giêng hoa từ từ bung cánh. Hoa màu trắng, trên từng nhánh sầu riêng hoa đơm chi chít, thơm ngọt ngào theo từng cơn gió.

Cũng rất bình thường, chiều nay nữ nghệ sỹ Bạch Tuyết đến thăm Thiền viện. Chúng tôi dẫn cô đi dạo vườn. Đến dưới gốc sầu riêng cô đứng hát một mình. Bài hát là một bài kệ của thầy Viện chủ “Cuộc đời qua mắt tôi”. Cô cất giọng tự nhiên:

Chiếc thân tứ đại khói
Sinh hoạt thế gian mây
Thành công khối nước đá
Thất bại chùm bọt tan
Nhục vinh bong bóng nước
Thương ghét hạt sương mai
Khổ vui trong giấc mộng
Lành dữ bóng chim bay
Tháng ngày cái chớp mắt
Còn mất nước trăng lay
Chung cuộc cơn gió thoảng
Viên mãn bầu trời trong.

Trong làn hơi của cô có cách diễn tả thân phận sương khói mong manh và mọi trò nhục vinh, thương ghét, được thua… như bọt nổi, như gió thoảng, như trăng in mặt nước. Có gì thật không? Bông sầu riêng đang nở quanh vườn. Cảm nghĩ về đời người là nỗi sầu chung muôn thuở.

Chúng tôi đưa cô viếng cảnh, nhưng cô lại chủ động trong cuộc trò chuyện. Hình như chúng tôi bị lôi cuốn tham dự vào một thế giới khác, biến ảo vô cùng nhưng còn đọng lại chút trầm tư của người quen thiền định.

Tôi không phải là dân ghiền cải lương, mặc dù hồi còn nhỏ tôi cũng từng ôm radio suốt mỗi tối thứ bảy. Có tính cách cường điệu màu mè của các nhân vật trong tuồng hát. Không làm sao hơn được vì khi diễn xuất là cốt tô đậm những gì của đời thường. Những câu vọng cổ vô đầu dài dằng dặc rồi chợt rớt xuống như cánh chim chao đường bay. Chỉ có bà già trầu mới thích nghe vọng cổ. Sau đó, tôi có dịp về miền Tây. Một lần, ngồi suốt ngày trên chiếc ghe đi từ Cao Lãnh, sông nước mênh mông, bờ xa hun hút. Ghe đi một mình không có bạn. Chung quanh là sự dàn trải phẳng lặng của mặt sông rộng, trời mây và nước cùng trôi, phẳng lặng đến vô cùng. Một câu hò, câu hát ngắn không đủ “bắt” ở đây. Phải nói lối, phải hát dài hơi kiểu Vọng cổ mới đủ theo kịp khoảng sông rộng trời dài. Tôi biết được tính chất của điệu hát này từ đó, dù chỉ cảm nhận không có bằng cớ.

Trở lại với Bạch Tuyết, cô đang hát cho chúng tôi nghe một đoạn Vọng cổ, trong đó quê hương thấp thoáng hiện qua chùm bông bằng lăng, bông điên điển, con nước lớn rồi ròng, chiếc lược cài thả rơi… Cô nói cô soạn bài hát này khi đang ở bên Anh, theo học trường Sân Khấu Nghệ Thuật. Miền quê trong bài hát quen thuộc lắm. Tôi hỏi:

– Cô quê ở đâu?

– Châu Đốc.

Té ra là miền sông Hậu, hèn gì.

Cao hứng, cô đọc cho chúng tôi nghe mấy bài thơ. Thật bất ngờ, chúng tôi muốn té nhào cả đám vì thơ của cô. Nhanh tay, chúng tôi ghi luôn:

NHÀ LỬA

Người đi qua sa mạc
Giật mình rớt trái tim
Chợt tỉnh quay quắt tìm
Cát bốn bề ngơ ngác.
Người đi qua dòng sông
Đầu bỗng nhiên mất hút
Chân trần trên củi mục
Tám hướng nước mênh mông.
Người đi qua ngọn núi
Trúc cổ ngậm hố sâu
Ngẩng mặt nuốt trời sầu
Trước sau chìm khuất bụi.
Người vui chơi trong lửa
Tứ đại hóa sen hồng
Đầu giỡn nước ao trong
Tim thảng cười nghiêng ngửa.

Quả thực là nội công thâm hậu. Cô nói còn nhiều bài nữa. Chúng tôi đòi xin để dành đăng Giác Ngộ. Trong thơ có chất mạnh của người từng sống. Còn cỡ dân trong Thiền viện chúng tôi, giỏi lắm thì chỉ có trăng, sao, trà, thiền và chuông khuya, chuông tối. Đời nghệ sỹ là đời thăng trầm, trong đó có chiêm nghiệm và nhận lấy con đường của mình qua các cơn chìm nổi. Chiều nay, Thiền viện tương ngộ với một nghệ sỹ có phong cách thiền.