ngẫu tượng sùng bái

Phật Quang Đại Từ Điển

(偶像崇拜) Tôn sùng lễ bài ngẫu tượng. Có thể nói bắt đầu từ giai đoạn kinh tế săn bắn về sau, thời kì văn hóa nhân loại dần dần phát triển, đối với các vật thể được công nhận không có tính nhân cách, siêu việt năng lực tự nhiên và những vật thể có tính nhân cách, có thể phát huy năng lực linh dị, thì đã được con người sùng bái, như sự sùng bái Thánh thạch (đá linh thiêng), Thánh thụ (cây linh thiêng) v.v… Đến thời kì Nông canh (cày cấy, trồng trọt) thì sự sùng bái tổ tiên dần dần hưng thịnh, về sau, đối tượng sùng bái từ hình thái loài người được mở rộng thành hình thái chim thú hỗn hợp. Gần đây, các học giả tranh luận nhiều về những tượng điêu khắc được tìm thấy trong những di chỉ thuộc thời đại đồ đá cũ (ère poléolithique), người thì cho rằng đó là những ngẫu tượng thần linh có sớm nhất, người khác lại chủ trương đó là các hình tượng do những ông đồng bà bóng tạo ra khi làm pháp thuật. Vào thời kì đầu của xã hội văn minh, 1 mặt coi ngẫu tượng chỉ là sự tạo hình của thần linh chứ chẳng phải bản thân thần linh, mặt khác, một khi ngẫu tượng đã được tạo thành, thì lại xem là thần linh gá vào đó và y hệt thần thánh không khác. Phương diện thứ nhất khác với quan niệm vật thần, phương diện thứ 2 lại bất đồng với quan niệm về thần trừu tượng. Lại vì các thần linh đều có hình tượng cụ thể khác nhau, cho nên ngẫu tượng được chế tạo cũng phải khác nhau, đối tượng tôn sùng của những tông giáo phát triển đến cao độ như Phật giáo, Cơ đốc giáo… thì lấy hình thái loài người làm chính. Vấn đề Cơ đốc giáo vào thời kì đầu có sùng bái thần tượng hay không thì còn nhiều tranh luận. Cũng có tông giáo vì muốn áp chế các tông giáo khác nên chủ trưong phá hoại ngẫu tượng, cho rằng sùng bái ngẫu tượng cũng đồng như tà giáo, dị giáo. Phật giáo tuy sáng tạo nhiều tượng Phật, Bồ tát, nhưng mỗikiểutạo tượng đều có biểu trưng khác nhau và về phương diện nghệ thuật đều có giá trị rất cao, ý nghĩa mà các pho tượng Phật tiêu biểu tuyệt đối không phải như ý nghĩa sùng bái ngẫu tượng mà dị giáo chê bai. (xt. Phật Giáo Đồ Tượng Học).