Ngân Sơn

Từ Điển Đạo Uyển

銀山; S: kailāsa, kailāś, rajatādṛ;
Tên của một ngọn núi ở dãy Hi-mã-lạp sơn, được xem là trú xứ của thần Thấp-bà (s: śi-va). Ấn Ðộ giáo xem núi này là thiêng liêng nhất. Phật giáo cũng xem Ngân sơn là thánh địa. Trên một cao nguyên khoảng 4600m, ngọn núi này bỗng vọt lên trên 7000m. Từ ngọn núi này xuất phát bốn con sông quan trọng của châu Á là Brahmaputra, Indus, Sutlej và Karnali.
Hai tác giả về Phật giáo danh tiếng của phương Tây là Lạt-ma Gô-vin-đa và W. Y. Evans-Wentz đều đã chiêm bái Ngân sơn. Cảm hứng về ngọn núi này, Gô-vin-đa viết trong quyển The Way of the White Clouds: “Có những ngọn núi chỉ là núi và có những ngọn núi lại có một nhân cách riêng. Nhân cách một ngọn núi không phải chỉ vì hình dạng kì lạ của nó mà có… Nhân cách nói chung là một uy lực, tác động lên người khác mà chủ thể của nó không hề muốn hay không hề biết. Uy lực này nằm trong sự liên tục, sự nhất quán, sự hoà hợp của tính cách con người. Nếu chúng lại là nhân cách của một ngọn núi thì ngọn núi xuất hiện như một tập hợp của uy lực toàn vũ trụ và chúng ta xem đó là một ngọn núi thiêng.”
Evans-Wentz tả như sau: “Cảm giác nhìn ngắm ngọn núi thật vô cùng kì diệu làm người hành hương quên hết lo âu và sợ hãi. Ai có thể mô tả được sự vô lượng vô biên của không gian? Ai có thể mô tả một cảnh vật, cảnh vật đó là hiện thân của cái vô cùng, biết thở theo nhịp của cái vô cùng? Với hồ nước trong xanh, thảo nguyên xanh thẳm bát ngát và các ngọn đồi vàng rực bao quanh, hiện lên một dãy núi tuyết và ở giữa là ngọn núi với đỉnh cao trắng xóa, được người Tây Tạng gọi là ›Bảo ngọc đầy tuyết trắng.‹” (Cuchamana and the Secret Mountains, Stanford University 1981).