ngã tướng

Phật Quang Đại Từ Điển

(我相) I. Ngã Tướng. Chỉ cho tướng dáng của Ngã, tức là cái tướng của Ngã tựa hồ như thật do vọng tưởng biến hiện ra, nhưng vì mê lầm nên phàm phu chấp trước là thực có. Ngã tướng gồm 2 loại: 1. Ngã tướng của thế gian: Như hữu tình, ý sinh, sinh giả, sĩ phu, tác giả, thụ giả, tri giả, kiến giả v.v… 2. Ngã tướng của Thánh giáo: Như Dự lưu, Nhất lai, Bất hoàn, Vô học, Nhị thập thất hiền thánh, Thập tam trụ v.v… Theo tông Duy thức thì thức ý và thức mạt na của phàm phu từ vô thủy đến nay vọng chấp phân biệt ngã, pháp, rồi huân tập vào thức A lại da, cho nên khi các thức sinh thì Kiến phần và Tướng phần của thức A lại da theo đó mà biến hiện các vọng tướng như thực ngã, thực pháp, phàm phu liền chấp các tướng ấy là thật. Bởi thế, tướng của ngã, pháp vốn không có thực thể, chỉ tùy các duyên phân biệt vọng chấp mà giả lập Ngã tướng của thế gian, cũng tùy duyên giả lập ra việc đoạn ác chứng đạo và giả lập Ngã tướng của Thánh giáo. Theo Thành duy thức luận thuật kí quyển 1 phần đầu, Luận sư Hộ pháp cho rằng do tâm phân biệt vọng chấp ngã, pháp từ vô thủy đến nay huân tập (xông ướp) bản thức (A lại da) mà sinh ra Kiến phần và Tướng phần; nhưng vì kẻ phàm phu không biết Kiến phần và Tướng phần thực ra chỉ từ trong thức A lại da biến ra, nên mới vọng chấp có thực ngã, thực pháp, tuy không thực có ngã, pháp nhưng tùy theo vọng tình chấp tướng, nên gọi là ngã, pháp. Luận sư An tuệ thì chủ trương Kiến phần và Tướng phần đều là tính Biến kế sở chấp, hư vọng, không có thực thể, tuy nhiên, ở trên Kiến phần và Tướng phần(đều không) này giả lập ngã, pháp mà cho rằng ngã, pháp là Biệt vô. II. Ngã Tướng. Vọng chấp trong 5 uẩn có Ngã, Ngã sở, là 1 trong 4 tướng. (xt. Tứ Tướng).