Nga Sơn Thiều Thạc

Từ điển Đạo Uyển


峨山韶碩; J: gasan jōseki; 1275-1365; Thiền sư Nhật Bản lỗi lạc thứ ba của tông Tào Ðộng (j: sōtō-shū) sau hai vị Ðạo Nguyên Hi Huyền (j: dōgen kigen) và Oánh Sơn Thiệu Cẩn (j: keizan jōkin). Sư nối Pháp Thiền sư Oánh Sơn Thiệu Cẩn. Sư sinh trong một gia đình tại Noto, sớm xuất gia (1290) tu học giáo lí của Thiên Thai tông trên núi Tỉ Duệ. Một cuộc gặp gỡ với Thiền sư Oánh Sơn đã thay đổi quan niệm tu học của Sư và từ đây, Sư tôn Oánh Sơn làm thầy và chú tâm vào việc Toạ thiền và quán Công án. Dưới sự hướng dẫn của Oánh Sơn, Sư ngộ đạo và được Ấn khả. Sư trụ trì Tổng Trì tự (sōji-ji) – với một cuộc gián đoạn ngắn và trong thời gian này Sư trụ trì Vĩnh Quang tự (yōkō-ji) – gần 40 năm liền và đã đưa danh tiếng của ngôi chùa này lên đến tuyệt đỉnh. Sư rất chú trọng đến việc thuyết pháp, hoằng hoá quần chúng, nhất là những người thuộc những tầng cấp thấp của xã hội và cố gắng gieo vào tâm của các vị đệ tử tư tưởng của một vị Bồ Tát, quên mình, vì người, một tư tưởng mà Thiền sư Oánh Sơn Thiệu Cẩn đã phát huy trong tông Tào Ðộng. Sư cũng là người đầu tiên đưa thuyết Ngũ vị quân thần của Thiền sư Ðộng Sơn Lương Giới (Ðộng Sơn ngũ vị) vào chương trình giảng dạy của tông Tào Ðộng tại Nhật. Sư có rất nhiều đệ tử nhưng nổi danh nhất là năm vị, đó là: 1. Thái Nguyên Tông Chân (太源宗眞; taigen sōshin, ?-1370), 2. Thông Huyễn Tịch Linh (通幻寂靈; j: tsūgen ja-kurei, 1322-1391), 3. Vô Ðoan Tổ Hoàn (無端祖環; j; mutan sokan, ?-1387), 4. Ðại Triệt Tông Linh (大徹宗令; j: daisetsu sōrei, 1333-1408), 5. Thật Phong Lương Tú (實峯良秀; j: jippō ryōshū, 1318-1405). Với sự nghiệp hoằng hoá của năm vị này, tông Tào Ðộng được truyền bá khắp nước Nhật.