ngã mạn đế

Phật Quang Đại Từ Điển

(我慢諦) Cũng gọi Mạn đế, Ngã tâm. Tâm ngạo mạn do chấp ngã mà sinh, là đế thứ 3 trong 25 đế do ngoại đạo Số luận ở Ấn độ đời xưa lập ra. Cứ theo luận Kim thất thập quyển thượng, trung, thì Tự tính đế(nguyên lí vật chất) và thần ngã (nguyên lí tinh thần) nương vào nhau mà sinh ra Đại đế (quyết trí có năng lực biết rõ đây kia), rồi lại do sự tăng trưởng giác dụng trong Đại đế mà sinh khởi ngã chấp, gọi là Ngã mạn đế. Ngã mạn đế là do 3 đức đại đế (tức là 3 đức Tát đỏa, La xà, Đa ma, dịch là: Mừng, lo, tối, vui, khổ, xả của Tự tính đế) hoạt động mà sinh khởi, khi 3 đức này mất thế cân bằng thì lần lượt tăng trưởng 3 thứ ngã mạn: Đại sơ, Chuyển dị, Diệm xí. 1. Đại sơ ngã mạn: Đại sơ nghĩa là Đại đế tăng trưởng lúc ban đầu; do sự tăng trưởng của Đa ma(tối tăm) trong Đại đế mà sinh, tính này còn tối tăm, ngu si, hay sinh ra 10 đế là: Sắc, thanh, hương, vị, xúc (Ngũ duy) và hỏa, không, địa, thủy, phong (Ngũ đại). 2. Chuyển dị ngã mạn, cũng gọi Biến dị ngã mạn. Chuyển dị nghĩa là tối tăm ngu si chuyển biến, sinh ra ánh sáng nhạt; tính này do Tát đỏa (vui) trong Đại đế tăng trưởng mà sinh, có khả năng sinh ra 11 đế là: Mắt, tai, mũi, lưỡi, than (Ngũ tri căn) và lưỡi (nói) tay, chân, nam nữ (sinh thực khí), đại khiển (Ngũ tác căn), cho đến tâm căn. 3. Diệm xí ngã mạn: Diệm xí nghĩa là ánh sáng nhạt tăng trưởng, sức nóng bốc mạnh, là do sự tăng trưởng của La xà (lo) trong Đại đế mà sinh, có khả năng sinh ra 21 đế nói trên; đây là vì Đại sơ ngã mạn và Chuyển dị ngã mạn không thể 1 mình sinh ra các đế mà phải nhờ sự trợ giúp của Diệm xí ngã mạn mới có thể phát sinh tác dụng năng sinh. Lại vì Diệm xí ngã mạn là do sự tăng trưởng của La xà mà sinh, cho nên trong 3 đức thì chỉ có đức La xà là có đủ tác dụng hoạt động. [X. kinh Niết bàn Q.35 (bản Nam); Bách luận sớ Q.thượng phần giữa]. (xt. Nhị Thập Ngũ Đế, Số Luận Học Phái).