ngã chấp

Phật Quang Đại Từ Điển

(我執) Phạm: Àtma-gràha. Cũng gọi Nhân chấp, Sinh chấp. Cố chấp có thực ngã. Thể của chúng sinh chỉ do 5 uẩn giả hợp mà thành, nếu chấp có thực ngã chủ tể tồn tại mà sinh ra vọng tưởng phân biệt ta và của ta, thì gọi là Ngã chấp. Luận Câu xá quyển 29 cho rằng Ngã chấp có 5 lỗi: 1. Khởi ngã kiến và hữu tình kiến thì rơi vào ác kiến. 2. Giống với các ngoại đạo. 3. Cũng như vượt đường mà đi. 4. Đối với tính không, tâm chẳng ngộ nhập, không sinh tịnh tín, không thể an trụ, chẳng được giải thoát. 5. Thánh pháp không thể thanh tịnh. Tiểu thừa xem Ngã chấp là gốc của muôn điều ác, là căn nguyên của tất cả sai lầm và phiền não. Thành duy thức luận thuật kí quyển 1 phần đầu cũng nói: Phiền não chướng có rất nhiều phẩm loại, nhưng tựu trung đều lấy Ngã chấp làm gốc mà sinh khởi; nếu chẳng chấp ngã thì không có phiền não. Theo luận Thành duy thức quyển 1, Ngã chấp có thể được chia làm 2 loại là : 1. Câu sinh ngã chấp: Ngã chấp bẩm sinh, tức là do sức nội nhân huân tập hư vọng từ vô thủy đến nay, sinh ra đã có, không cần phải học hỏi, tập tành, nên gọi là Câu sinh. 2. Phân biệt ngã chấp: Ngã chấp thuộc về tính hậu thiên tức là do sức tác động của ngoại cảnh mà phát sinh, không cùng có 1 lúc với thân, nhưng phải học hỏi, tập quen và phân biệt mới phát khởi; cho nên gọi là Phân biệt ngã chấp. Phân biệt ngã chấp thường sinh ra tác dụng phát nghiệp, còn Câu sinh ngã chấp thì hay khởi tác dụng nhuận sinh, cả 2 đều có khả năng làm não loạn thân tâm chúng sinh, khiến cho họ cứ mãi phải sinh tử luân hồi. [X. phẩm Phá chấp ngã trong luận Câu xá Q.30; Thành duy thức luận chưởng trung xu yếu Q.thượng phần cuối]. (xt. Nhị Chấp, Ngã).