ngã

Phật Quang Đại Từ Điển

(我) Phạm: Àtman. Hán âm: A đặc man, A thản ma. Nghĩa gốc là hô hấp, chuyển thành nghĩa sinh mệnh, tự kỉ, thân thể, tự ngã, bản chất, tự tính, hoặc chỉ chung cho chủ thể độc lập vĩnh viễn, tiềm ẩn trong nguồn gốc của mọi vật và chi phối cá thể thống nhất. Đây là 1 trong các chủ đề trọng yếu của giới tư tưởng Ấn độ. Phật giáo chủ trương thuyết vô ngã, chỉ rõ mối quan hệ giữa sự tồn tại và tính duyên khởi, phủ định các tính chất thường (sự tồn tại liên tục vĩnh viễn), nhất (sự tồn tại độc lập tự chủ), chủ (sở hữu chủ trung tâm), tể (chi phối hết thảy) mà chủ trương ngã không tồn tại, không chân thực. Danh từ Ngã đã được sử dụng từ thời đại Lê câu phệ đà (Phạm: Fg-veda, 1500 trước Tây lịch) trở đi, đến thời đại Phạm thư (Phạm: Bràhmaịa, 1000-800 trước Tây lịch) thì hơi thở (Phạm: Pràịa, tức là khí tức) trong chủ thể sinh mệnh con người dần dần diễn biến thành hiện tượng sinh mệnh mang ý vị cá thể, còn ngã thì lại là bản chất. Như trong Bách đạo phạm thư (Phạm: Zatapatha), những hiện tượng sinh mệnh như lời nói, sức nhìn, sức nghe v.v… là lấy ngã làm nền tảng để biểu hiện, hơn nữa, do ngã thống ngự, cho nên ngã được xem là đồng nhất với Tạo vật chủ (Phạm: Prajàpati). Thời đại Áo nghĩa thư (Phạm:Upaniwad, 800-600 trước Tây lịch), chủ trương ngã sáng tạo ra vũ trụ, hoặc cho rằng ngã là cá nhân(tiểu ngã) nhưng đồng thời cũng là đại ngã, nguyên lí trung tâm của vũ trụ (Phạm: Brahman) và xem Phạm (Brahman) và Ngã (Àtman) là đồng thể, đồng nhất. Lại tiến thêm bước nữa mà chủ trương chỉ có Ngã mới là sự tồn tại chân thực, còn ngoài ra đều là huyễn (Phạm: Màyà). Trong các kinh A hàm của Phật giáo đã phủ định 4 quan niệm sau đây về ngã. 1. Toàn thể của các cá thể loài người là Ngã, tức 5 uẩn là Ngã. 2. Sinh mệnh trung tâm trong các cá thể là Ngã, tức Ngã có 5 uẩn. 3. Nguyên lí vũ trụ là Ngã, tức trong Ngã có 5 uẩn. 4. Mỗi một yếu tố tồn tại đều có tính chất (tự tính) cố hữu, tức trong 5 uẩn có Ngã. Bốn quan niệm trên đây là cái mà đời sau gọi là Hữu thân kiến, có thể chia làm 2 loại: Một là Ngã kiến, tức 5 uẩn của quan niệm thứ nhất là Ngã; hai là Ngã sở kiến, tức 3 quan niệm còn lại. Ngã sở chỉ cho sở hữu, sở thuộc của Ngã và những vật không lìa Ngã. Về mối quan hệ giữa chủ thể cấu thành sinh tử luân hồi và thuyết Vô Ngã, Phật giáo bộ phái có các giải thích sau: – Thuyết nhất thiết hữu bộ lập Nhân ngã kiến và Pháp ngã kiến, tuy phủ định Ngã (tức Nhân ngã) của sinh mệnh cá thể, nhưng thừa nhận Ngã thực thể (tức Pháp ngã,và tất cả yếu tố cấu thành sự tồn tại) là hằng hữu. – Độc tử bộ và Chính lượng bộ chủ trương Ngã chẳng tức uẩn, chẳng li uẩn, sinh mệnh cá thể chẳng những không do 5 uẩn giả hợp tạo thành (tức uẩn) mà cũng chẳng phải ngoài 5 uẩn có Ngã riêng (li uẩn), tức là chủ trương giữa Ngã và 5 uẩn có mối quan hệ bất tức bất li. – Kinh lượng bộ có thuyết Bổ đặc già la thắng nghĩa. Luận Thành duy thức quyển 1 chia Ngã do ngoại đạo và các phái trong Phật giáo bộ phái chủ trương làm 3 loại để phê phán, đó là: 1.Tức uẩn ngã: Ngã do thế gian phổ thông chủ trương. 2. Li uẩn ngã: Ngã do Số luận, Thắng luận và Kinh lượng bộ chủ trương. 3. Phi tức phi li uẩn ngã: Ngã do Độc tử bộ, Chính lượng bộ chủ trương. Phật giáo Đại thừa không những phủ định Ngã cá thể (nhân ngã) mà còn phủ định luôn cả pháp ngã tồn tại mà Phật giáo bộ phái thừa nhận và chủ trương thuyết Nhân vô ngã, Pháp vô ngã (Nhân pháp nhị vô ngã), cho rằng tất cả đều không tự tính(không tính). Đồng thời, Phật giáo bộ phái cho rằng, tất cả sự tồn tại đều là vô thường, khổ, vô ngã, bất tịnh, nhưng nếu diệt trừ hết phiền não thì đạt đến cảnh giới Niết bàn cứu cánh. Trái lại Phật giáo Đại thừa chủ trương tất cả sự tồn tại vốn là không, cảnh giới Niết bàn sau khi khai ngộ chắc chắn là cảnh giới tuyệt đối tự do, bởi thế có thuyết 4 đức: Thường, lạc, ngã, tịnh. Vì ngã ở đây khác xa với cái tiểu ngã mà phàm phu chấp trước, nên gọi là Đại ngã, Chân ngã. Nói một cách khái quát, Ngã có thể được chia làm 4 loại: 1. Phàm ngã: Ngã do phàm phu mê chấp. 2. Thần ngã (Phạm:Puruwa, Hán dịch: Trượng phu, nhân (nguyên nhân)): Ngã do Lục sư ngoại đạo chủ trương. 3.Giả ngã:Không có thực thể mà giả gọi là Ngã, như gọi thân thể do 5 uẩn giả hợp là Ngã. 4. Chân ngã: Chỉ cho Pháp thân Như lai, đặc tính của Pháp thân này được thuyết minh do căn cứ vào Bát đại tự tại ngã. Ngoài ra, về thuyết Ngã, các học phái (ngoại đạo) Ấn độ có 16 thứ phân loại thông thường gọi là 16 tri kiến, hoặc 16 thần ngã. Tri kiến có hàm ý là người biết, người thấy, tức chủ trương Ngã có năng lực biết và thấy. Mười sáu loại tri kiến hoặc thần ngã là: Ngã, chúng sinh, thọ giả, mệnh giả, sinh giả, dưỡng giả, chúng số, nhân (giả), tác giả, sử tác giả, khởi giả, sử khởi giả, thụ giả, sử thụ giả, tri giả và kiến giả. [X. luận Đại trí độ Q.35].