năng thí thái tử

Phật Quang Đại Từ Điển

(能施太子) Cũng gọi Đại thí thái tử, Phổ thí thái tử. Tiền thân của đức Phật, khi tu hạnh Bồ tát ở nhân vị. Cứ theo luận Đại trí độ quyển 12 thì vào thời quá khứ vô lượng a tăng kì kiếp, có 1 vị Đại y vương muốn chữa bệnh cho tất cả mọi người, nhưng bệnh nhân lại quá nhiều mà sức mình thì có hạn, nên Ngài lo buồn quá mà chết và được sinh lên cung trời Đao lợi. Ngài tự suy nghĩ: Nay ta ở cõi trời, tuy hưởng nhiều phúc báo, nhưng chẳng có ích lợi gì cho mọi người. Nghĩ rồi, Ngài liền dùng phương tiện bỏ tuổi thọ ở cõi trời, sinh vào trong cung long vương Sa già đà, làm Thái tử của Long vương. Lớn lên, lại dùng phương tiện chết đi, rồi sinh vào cõi Diêm phù đề, làm Thái tử của 1 Đại quốc vương và được đặt tên là Năng thí. Khi trưởng thành, Ngài đem bố thí hết những vật sở hữu rồi thưa với cha mẹ rằng: Trên đầu Long vương có 1 hạt ngọc báu như ý có thể sinh ra tất cả của cải, con muốn được hạt ngọc ấy để bố thí cho hết thảy những người nghèo khổ. Được cha mẹ cho phép Thái tử liền xuống biển lớn, đến chỗ Long vương. Long vương có sức thần thông, biết ngay đó là con mình, Thái tử cũng nhớ lại kiếp trước và nhận ra cha mẹ. Long vương rất mừng, chiều theo ý muốn của con. Thái tử được ngọc báu như ý liền quay về Diêm phù đề, ngọc báu sinh ra tất cả tài vật, Thái tử bố thí cho hết thảy nhân dân, mọi người đều được đầy đủ thức ăn, quần áo và của báu. [X. kinh Hiền ngu Q.8; Kinh luật dị tướng Q.32; Chỉ quán phụ hành truyền hoằng quyết Q.1].