năng tác nhân

Phật Quang Đại Từ Điển

(能作因) Phạm: Kàraịahetu. Cũng gọi Sở tác nhân, Vô chướng nhân, Tùy tạo nhân. Một trong 6 nhân sinh khởi ra các pháp do Tiểu thừa thành lập. Khi 1 pháp sinh khởi, ngoại trừ tự thể của pháp ấy, tất cả các pháp khác không gây chướng ngại cho sự sinh khởi của nó, nghĩa là tất cả pháp là thể của nhân Năng tác. Các nhân khác đối với quả đều có nhân Năng tác, cho nên chúng là nhân Năng tác, nhưng vì chúng mỗi mỗi đều có tên riêng, nên chỉ dùng Năng tác nhân này để gọi chung. Theo luận Câu xá quyển 6, tất cả pháp hữu vi trừ tự thể của chúng ra, còn tất cả các pháp khác đều là Năng tác nhân của chúng. Năng tác nhân có 2 nghĩa: 1. Bất chướng ngại: Không ngăn trở sự sinh khởi của các pháp, thuộc về Năng tác nhân vô lực. 2. Hữu sở biện: Chẳng những không ngăn trở, mà còn giúp thêm sức cho các pháp để thành tựu sự sinh khởi, thuộc về Năng tác nhân hữu lực. [X. luận Đại tì bà sa Q.21; luận Câu xá Q.7]. (xt. Lục Nhân).