năng phá

Phật Quang Đại Từ Điển

(能破) Tiếng dùng trong Nhân minh. Phá luận thức của đối phương. Trong đối luận Nhân minh, người lập luận tổ chức luận thức để phá ngôn luận chủ trương của người vấn nạn, gọi là Năng phá. Năng phá lại có thể chia làm 2 loại là Chân năng phá và Tự năng phá. 1. Chân năng phá (gọi tắt: Năng phá), nghĩa là phá ngôn luận chủ trương của đối phương một cách chính xác, đúng đắn. Chân năng phá lại có 2 trường hợp: a) Lập lượng phá: Tổ chức luận thức chính xác để phá lập luận của đối phương. b) Hiển quá phá: Không tổ chức luận thức mà chỉ tìm những điểm sai lầm trong luận thức của đối phương để chỉ trích và bác bỏ luận thức ấy mà thôi. Tuy nhiên, Lập lượng phá đồng thời cũng là Hiển quá phá, vì lập luận của mình được tổ chức để một mặt công phá đối phương, mặt khác, đồng thời vạch ra những lỗi sai lầm của đối phương. Còn Hiển quá phá thì có khi không phải là Lập lượng phá, vì lúc đó mình không tổ chức luận thức. Cũng vì thế mà Chân năng phá mới được chia làm 2 trường hợp như trên. 2. Tự năng phá: Phá ngôn luận chủ trương của đối phương một cách sai lầm, cũng có 2 trường hợp. a) Tự lập lượng phá: Tự mình lập luận phá nhưng lập sai. b) Tự hiển quá phá: Chỉ trích, bài bác luận thức của đối phương một cách sai quấy. [X. Nhân minh nhập chính lí luận sớ Q.thượng; Nhân minh luận sớ thụy nguyên kí Q.1; Đông phương luận lí học (Nhất hạnh)].