năng huân tứ nghĩa

Phật Quang Đại Từ Điển

(能熏四義) Bốn nghĩa Năng huân. Theo tông Pháp tướng thì khi huân tập, Năng huân phải có 4 điều kiện, đó là: 1. Có sinh diệt: Pháp năng huân phải hiển bày hiện tượng sinh diệt, do sự sinh diệt này mà có tác dụng biến hóa, nếu chẳng sinh diệt thì tất nhiên không có tác dụng biến hóa, cũng như hạt giống có tác dụng sinh diệt mới có thể đơm bông kết trái. 2. Có thắng dụng: Pháp năng huân phải có lực dụng năng duyên và thắng dụng mạnh mẽ; đầy đủ 2 yếu tố này mới có thể huân được, vì nó có khả năng dẫn phát tập khí. Như sắc pháp (thân nghiệp, ngữ nghiệp) có lực dụng mạnh mẽ nhưng không có thắng dụng năng duyên; còn tâm dị thục thì có lực dụng năng duyên nhưng lại không có thắng dụng mạnh mẽ, pháp Bất tương ứng thì đều không có cả 2 dụng trên nên không phải là Năng huân. 3. Có tăng giảm: Tăng là trải qua sự huân tập mà càng thêm sáng láng, bén nhạy; giảm là trong định Vô tưởng và Diệt tận là 2 định Vô tâm, hành giả chán lìa tâm huân tập thô trọng mà dần dần tiến vào giai vị tâm nhỏ nhiệm, khi ấy sự huân tập cũng sẽ diệt. Trái lại, khi Phật quả hiện hành viên mãn thì lìa tăng giảm và cũng không có tác dụng huân tập. 4.Cùng sở huân hòa hợp chuyển (gọi tắt: Hòa hợp chuyển): Tức Năng huân đối với chỗ Sở huân (thức thứ 8) hiển hiện pháp đồng thân đồng thời thì ngay nơi sự huân tập, năng sở hòa hợp, đồng thời đồng xứ, bất tức bất li. [X. luận Thành duy thức Q.2; Thành duy thức luận thuật kí Q.3 phần đầu]. (xt. Sở Huân Tứ Nghĩa, Huân Tập).