năng duyên

Phật Quang Đại Từ Điển

(能緣) Đối lại: Sở duyên. Chủ thể có đủ tác dụng nhận thức là năng duyên, còn khách thể (đối tượng) bị nhận thức là sở duyên. Duyên nghĩa là nương nhờ, nương tựa, vin theo, tức biểu thị tâm thức không thể tự sinh khởi mà phải vin theo cảnh bên ngoài (khách thể, đối tượng) mới có thể sinh ra tác dụng. Nhà Duy thức còn gọi Năng duyên là Kiến phần và Sở duyên là Tướng phần, rồi đem pháp Năng duyên chia làm 3 phần là Kiến phần, Chứng phần và Chứng tự chứng phần. Khi Năng duyên sinh ra tác dụng thì Kiến phần duyên theo Tướng phần, Tự chứng phần duyên theo Kiến phần và Chứng tự chứng phần, còn Chứng tự chứng phần thì duyên theo Tự chứng phần. Ngoài ra, luận Chuyển thức cũng chia Năng duyên làm 3 thứ là Quả báo thức (thức A lại da), Chấp thức (thức A đà na)và Trần thức (6 thức). [X. luận Thành duy thức Q.2; luận Câu xá Q.7; phẩm Lập vô số trong luận Thành thực Q.5].