nạn

Phật Quang Đại Từ Điển

(難) I. Nạn. Chướng ngại, đặc biệt chỉ cho sự chướng ngại người tu hành đạo Phật. Kinh Trường a hàm quyển 19 nêu ra 8 loại nạn xứ làm chướng ngại người tu hành thanh tịnh hướng tới giác ngộ, gọi là Bát nạn, Bát nạn xứ, Bát nạn giải pháp, Bát vô hạ, Bát bất nhàn, Bát phi thời, Bát ác, Bát bất văn thời tiết. Đó là: 1. Nạn ở địa ngục. 2. Nạn ở ngã quỉ. 3. Nạn ở súc sinh. Chúng sinh ở trong 3 đường này, khó gặp được bậc Thánh, chịu khổ bức bách, nung nấu triền miên, không sao tu hành được. 4. Nạn ở Trường thọ thiên, người cõi trời này sống rất lâu nên khó được gặp Phật pháp. 5. Nạn ở biên địa, là nơi hẻo lánh, xa xôi, không có Phật pháp lưu hành, cho nên chúng sinh ở vùng này không được nghe Phật pháp; hoặc chỉ cho chư thiên cõi Sắc, cõi Vô sắc và người ở châu Bắc câu lô (thế giới ở phía bắc núi Tu di), chỉ đam mê hưởng lạc, không cầu Phật pháp. 6. Nạn mù điếc câm ngọng; những người mù, điếc, câm, ngọng dù có sinh vào nơi văn minh, văn hóa, cũng không được thấy nghe Phật pháp. 7. Nạn thông minh biện bác theo trí thế gian, tuy có trí tuệ nhưng chấp tà kiến nên không cầu chính pháp. 8. Nạn sinh trước Phật hoặc sau Phật, vì sinh trong khoảng thời gian này không có Phật ra đời thuyết pháp, cho nên không được nghe Phật pháp. [X. kinh Xuất diệu Q.8; kinh Ngũ khổ chương cú; kinh Phạm võng Q.hạ; phẩm Tứ pháp trong luận Thành thực Q.2; Tuệ lâm âm nghĩa Q.28]. II. Nạn. Lời gạn hỏi, như nói nạn vấn, luận nạn, tức hỏi vặn, hỏi những nghĩa khó, bàn cãi đưa ra những điều khó hiểu, mâu thuẫn nhau, dồn đối phương vào chỗ bí tắc để tranh thắng. Như trong các kinh luận thường thấy ghi chép các cuộc tranh luận về pháp nghĩa trong nội bộ các phái Phật giáo với nhau, hoặc các cuộc nạn vấn của Phật giáo đối với ngoại đạo…