QUYỂN IV
 
Kinh Diệu Pháp Liên Hoa Thông Nghĩa
PHẨM NĂM TRĂM ĐỆ TỬ THỌ KÝ
THỨ TÁM
 
Đại ý phẩm này, nói về năm trăm đệ tử đã nghe xong Pháp và Dụ (của hai phẩm trước) năm đệ tử đã được thọ ký. Còn nghe được sự việc nhân duyên đời trước; biết Phật sử dụng vô lượng phương tiện để dẫn dắt chúng sinh, vốn đã gieo trồng chủng tử Nhất thừa. Do đó mà tin Phật tâm và tin tự tâm chắc chắn thành Phật, nghĩ ngợi hoài nghi đã hết nên gọi là “Tâm đã tịnh”. Tâm chí muốn được thọ ký nên gọi là “Hớn hở” Gánh vác gia nghiệp, tình cha và con đều mất nên gọi là “Bản nguyện thân tâm chỉ có Phật có thể biết”. Cho nên Đức Thế Tôn thọ ký cho tất cả 1200 vị, viên mãn được bản hoài xuất thế.
Kinh này người kết tập lấy chữ “ Thọ Ký” làm tiêu đề của phẩm nghĩa là đã có lòng tin lớn, có thể mang vác và thọ nhận, nên có phẩm này. Kinh đưa ra 1200 vị mà trong phẩm chỉ nói tiêu biểu năm trăm người, muốn nói năm trăm người là thượng thủ của 1200.
1. Từ câu: “Nhĩ thời Phú Lâu Na” đến câu: “Chiêm ngưỡng tôn nhan mục bất tạm xả” (Lúc bấy giờ ngài Phú Lâu Na (Mãn từ tử)… chiêm ngưỡng dung nhan của Phật mắt không tạm ngừng).
Đoạn này người kết tập trình bày sự lãnh hội của ngài Mãn Từ Tử.
Từ nơi Phật mà nghe được nhiều vấn đề như: nghe thuyết pháp về hai trí thâm sâu, nghe thí dụ về ba xe, và một xe tùy cơ nghi mà thiết lập, năm đệ tử được thọ ký. Nay còn nghe nhân duyên ngày xưa của Đức Đại Thông Trí Thắng, các ngài dùng thần thông mà biến ra hóa thành… các việc trên đây đều là những điều chưa từng được nghe, chưa từng hiện hữu. Trước đây chưa nghe được pháp này, thì sinh hoài nghi, tiếc và chấp quả vị tiểu thừa. Khi đã được nghe và hiểu rồi thì lòng nghi hoặc được tiêu trừ, do vậy gọi là “Tâm tịnh”. Tự tin mình đến lúc sẽ thành Phật, nên “Hớn hở vui mừng”, do đó chỉnh đốn ba nghiệp, đứng thẳng chiêm ngưỡng mong Phật thọ ký.
2. Từ câu: “Nhi tác thị niệm” đến câu: “Ngã đẳng thâm tâm bổn nguyện” (Mà nghĩ thế này … bổn nguyện trong thâm tâm chúng con)
Đoạn này nói lại những lời của ngài Mãn Từ Tử.
Ngài tán thán sự hy hữu đặc thù của Phật, vì nghe được ba lần khai thị của Phật mà ngộ được Phật tâm, nên sinh tâm vui mừng. Phật đã tùy thuận theo thế gian mà làm cho chúng sinh vượt ra ngoài sự tham lam chấp thủ, đây chính là sự đặc biệt hy hữu. Ngài Không Sinh ở nơi pháp hội Bát nhã, chợt thấy cái tâm hộ niệm phó chúc của Thế Tôn, nên ca ngợi là hiếm có, do đó không nói mà hiểu. Nay ngài Mãn Từ Tử đã nghe qua ba châu Pháp, Dụ và Nhân duyên) đủ thấy được lòng đại từ, đại bi của Như Lai. Không khi nào lại không có hộ niệm phó chúc để cho chúng sinh trong năm tính ba thừa vĩnh viễn thoát ly chấp trước. Đó là việc rất hiếm có, hiếm có vì lời nói mà tỏ ngộ.
Đức Như Lai ở trước có nói với Ca Diếp và các đệ tử rằng: Không thể biết hết công đức chân thật của Như Lai. Ngài Mãn Từ Tử tự cho rằng: Chúng con đối với công đức của Phật, thật ra không thể nói hết bằng ngôn ngữ. Tuy nhiên chúng con trong thâm tâm đều muốn hổ trợ tuyên dương Phật pháp, hộ trì phát nguyện lưu thông chánh pháp. Ý chúng con muốn được thọ ký. Tấm lòng này cũng không thể nói bằng lời. Chỉ có Phật Thế Tôn mới chứng tri cho tâm con. Đó không phải lời nói hời hợt.
Ở trước ngài Ca Diếp.v.v.. tự thuật lại sự lãnh hội đã có bao nhiêu lòng hoài nghi rối rắm. Nay ngài Mãn Từ Tử chỉ nói rằng thâm tâm bổn nguyện của mình chỉ có Phật biết, tức là từ trước đến nay không có nghi ngờ gì đối Phật, làm hiển lộ cái bí mật bên trong để làm phát khởi tín tâm cho hàng hạ căn tuệ yếu. Đây là ý nghĩa của sự “Trợ duyên”. Do vậy ngài mới ở bậc thượng thủ của 1200 vị, là có lý do vậy.
3. Từ câu: “Nhĩ thời Phật cáo chư tỳ kheo” đến câu: “Vô năng tận kỳ ngôn luận chi biện” (Bấy giờ Phật bảo các tỳ kheo… không ai có thể cùng tận chỗ biện bác ngôn luận của ông).
Từ đoạn này trở xuống, Đức Như Lai nói về lịch sử công hạnh nội bí (bên trong hành Bồ tát) và ngoại hiện (bên ngoài hiện tướng Thanh văn) để trợ tuyên Phật pháp của ngài Mãn Từ Tử, để nói về sự thành tựu bổn nguyện trong thâm tâm của ngài như vậy.
Từ câu: “ Các ông thấy chăng” trở xuống, là nói Mãn Từ Tử hiện nay trợ tuyên pháp của Đức Thích Ca. Có như vậy là vì ngài Mãn Từ Tử rất giỏi thuyết pháp, được Thế Tôn gọi là thuyết pháp đệ nhất. Ngoài Đức Như Lai ra không ai có thể biết hết khả năng biện luận và ngôn ngữ của Ngài. Ở đây nói về rất giỏi thuyết pháp vậy.
4. Từ câu: “Nhữ đẳng vật vị Phú Lâu Na” đến câu: “Đương tác Phật sự giáo hóa chúng sinh” (Các ông chớ tưởng Phú Lâu Na… thường làm Phật sự giáo hóa chúng sinh).
Đoạn này thuật lại việc làm của ngài Mãn Từ Tử hộ trì tuyên dương Pháp Phật ở trong quá khứ, qua đó thấy được tâm nguyện sâu sắc của ngài.
Nói: “Thông suốt pháp không” là nói chứng đạt thật tướng chân không. Nói: “Tứ vô ngại” là nói biện tài thuyết pháp, chỉ có Phật mới có khả năng vẹn toàn mà ngài Mãn Từ Tử có đủ. Thường an trú chân lý mà quán căn cơ, thuyết pháp thanh tịnh nên không chấp trước pháp tướng; không còn nghi hay lầm pháp nên thuyết pháp một cách xác định; đầy đủ các hạnh Bồ tát… nên “Nội bí ngoại hiện” mà người không biết mật hạnh ấy, đều cho rằng đó là Thanh văn, họ chỉ biết bề ngoài của ngài. Việc giáo hóa rất nhiều chúng sinh, làm cho chúng an trụ Bồ đề thì pháp ngài thuyết không phải là tiểu pháp. “Muốn tịnh cõi Phật mà thường làm phật sự”. Đó không phải là hạnh nhỏ. Đều là việc do bổn nguyện trong thâm tâm.
5. Từ câu: “Chư Tỳ Kheo” đến câu: “Tiệm tiệm cụ túc Bồ tát chi đạo” (Các Tỳ kheo… lần lần đủ đạo Bồ tát).
Ở trên thuật lại xưa phụng sự nhiều Đức Phật quá khứ. Ở đây nói thời gian gần hơn, là phụng sự bảy Đức Phật quá khứ. Chư Phật quá khứ tuy nhiều, nhưng ở kiếp sau cùng là Trang nghiêm kiếp, tức Phật Tỳ bà thi, Thi khí, Tỳ xá phù, ba Đức Phật. Còn ở đầu hiền kiếp là Phật Câu Lưu Tôn, Câu na hàm, Ca Diếp, đến Thích Ca Mâu Ni gồm bốn Phật, cộng chung là bảy vị Phật. Đây là Phật Cận kiếp tương truyền tâm ấn cho nhau. Từ đây trở đi là hiền kiếp tương lai, cho đến Tinh tú kiếp chư Phật, mỗi mỗi Phật đều hộ trì trợ duyên Phật pháp,Chuyên lấy việc thuyết pháp làm công hạnh. Trang nghiêm tịnh độ, giáo hóa chúng sinh, đầy đủ đạo Bồ tát để làm nền tảng thành Phật,
Ở trước năm người được thọ ký thành Phật, Đức Thế Tôn chỉ nói công hạnh gần gũi cúng dường chư Phật mà thôi. Nay thọ ký cho vậy. Do Đức Thế Tôn mật ý chú trọng hộ trì chánh pháp, rộng rãi kết duyên thành Phật làm đức hạnh lớn. Cho nên trong nhân không cần tu hạnh khác, chỉ lấy việc trợ duyên hộ trì Phật pháp làm diệu hạnh đệ nhất. Về sau lần lượt phó chúc trì Kinh, khen ngợi rộng rãi công đức pháp sư. Đều là ý này.
6. Từ câu: “Quá vô lượng A Tăng Kỳ Kiếp” đến câu: “Khởi thất bảo tháp biến mãn kỳ quốc” (Qua vô lượng vô số kiếp sau … dựng tháp bằng bảy báu khắp cả nước đó).
Đoạn này nói ngài Mãn Từ Tử được thọ ký.
Nhờ trong nhân hoằng pháp, truyền tâm ấn Phật nên không rời đương xứ mà chứng Bồ đề.
Cho nên kết quả thọ ký là ở nơi quốc độ này mà chứng Bồ đề. Nhìn lại cõi ta bà vốn ô nhiễm mà quốc độ quả chứng của ngài Mãn Từ Tử thuần túy thanh tịnh, cho thấy ô nhiễm tức thanh tịnh, biểu thị cho thật tướng quốc độ, do tâm chuyển biến. Đây là điều có thể hiểu được.
Do trong nhân tố đã thông đạt các không pháp một cách rõ ràng, nên kết quả hiệu là Pháp Minh. Do tương xứng với pháp tánh, nên tịnh độ lợi sinh rộng lớn vô lượng. Nên chiêu cảm kết quả y báo là được nhiều cõi Ta bà như cát sông Hằng trở thành một quốc độ. Do tâm đại bi bình đẳng, thuyết pháp thanh tịnh, nên y báo là quốc độ có mặt đất bằng phẳng như bàn tay, không có núi gò. Do tâm tương ứng pháp tánh mà kiến lập các pháp, nên các lâu đài thất bảo đều đầy đủ. Do lúc đang thuyết pháp tâm ô nhiễm và thanh tịnh cũng như tình cảm đều mất, thiện và ác đều bình đẳng. Cho nên trời và người giao tiếp, gặp gỡ nhau, không có các đường ác. Trong nhân tố thường tu phạm hạnh, giáo hóa chúng sinh nên được quả là quốc độ không có đàn bà và sự dâm dục, chúng sinh đều do hóa sinh, là quả báo của sự thanh tịnh thuyết pháp. Chúng sinh ở đó do không dâm dục sinh nên thân thể phát ánh sáng, vĩnh viễn từ bỏ sự trói buộc của ái dục. Có thể bay đi một cách tự tại. Chúng sinh đều do pháp hóa sinh nên ý chí và niệm lực rất vững chắc, tinh tấn và trí tuệ, không có các vọng tưởng tạp loạn, thân thể đều là màu vàng, đó là quả báo của ly dục. Chúng sinh đều do ăn uống mà sống, dân trong nước đều là hóa sinh nên không hấp thụ món ăn dục lạc, chỉ lấy niềm vui thiền định làm món ăn. Ở đây chỉ nói pháp Bồ tát nên quyến thuộc đều bậc đại Bồ tát. Thanh văn cũng nhiều do dần dần đầy đủ đạo Bồ tát. Đó là do sự thâu nhiếp của nguyện lực cả.
Ở trên là biểu hiện của y báo trang nghiêm, kiếp tên là Bảo Minh, tức là pháp bảo viên minh. Thời kỳ không có năm trược, nên đất nước tên là Thiện Tịnh, do nhân thuyết pháp thanh tịnh mà ra. Thọ mạng chỉ nói là vô lượng mà không nói con số cụ thể. Pháp tồn tại không nói Chánh pháp hay Tượng pháp chỉ nói rất lâu mà không định thời gian. Đây là vì thuyết pháp phù hợp pháp tánh, mà pháp tánh chân lý vốn không có trước sau, cho nên Tuệ mạng là thường trụ, chánh pháp thường còn. Sau khi chết xây tháp khắp nơi trong nước. Đó là nhân quả thuyết pháp của ngài Mãn Từ Tử được Đức Phật thọ ký riêng. Đủ để biết mật của Như Lai là coi trọng công đức duy trì Kinh. Hơn nữa thế giới Ta bà là cõi do Đức Thích Ca giáo hóa, là ngũ trược ác thế, nơi hội tụ của khổ đau, gọi là kham nhẫn. Cõi ấy núi đồi, sông ngòi,hầm hố, cao thấp không đồng, tiện lợi cho sự ô nhiễm phát triển, độc ác sung mãn, chúng sinh thì dâm dục, là đất của sự trầm luân sinh tử. Là chỗ hàng Tiểu thừa sợ hãi như lao ngục gông cùm, tránh né không dám đi vào. Nay ngài Mãn Từ Tử được thọ ký, không rời cõi này mà chứng Bồ đề, đất bằng như bàn tay, cõi nước được thanh tịnh như thế, tuyệt đối không có đàn bà, chúng sinh đều do hóa sinh, thân thể đều có ánh sáng như thế, lại lấy vô lượng cõi Ta bà làm một cõi nên cõi ấy rộng lớn vô cùng.
Đây chính là đặt biệt bày tỏ hàng Nhị thừa mở Tri kiến Phật nên tâm nhỏ hẹp tiêu trừ, tâm chấp hay xả đều mất, tâm phấn khởi hay nhàm chán đều ngưng. Sở ngộ trước mắt thuần là Hoa Tạng Trang Nghiêm, là cõi Phật Thật báo thanh tịnh không hướng ngoài tìm cầu, ngay đó không nghi liền lên đất Phật. Công đức thọ ký đều biểu hiện ở đây. Hàng hạ căn liệt giải sao không tự tin, mà cam chịu đứng ngoài tri kiến Phật sao! Quốc độ thanh tịnh hay ô nhiễm đều do tâm mà chuyển hóa, sao lại không tin? Xem đây đã đủ biết phương tiện giáo hóa thiện xảo của Đức Như Lai, thành thật mà nói Phật trí là Bất khả tư nghì vậy. Nếu việc thọ ký này và thọ ký khác mà coi nhẹ sẽ không đạt được ý vi diệu của Như Lai.
7. Từ câu: “Nhĩ thời Thế Tôn dục trùng tuyên thử nghĩa nhi thuyết kệ ngôn” đến câu: “Ngã kim đản lược thuyết” (Bấy giờ Thế Tôn muốn tuyên lại nghĩa trên… nay ta chỉ nói lược)
Đoạn kệ tụng này nói chung việc “Nội bí ngoại hiện” (trong ẩn hạnh Bồ tát, ngoài hiện tướng thanh văn).
Ngài Mãn Từ Tử, vì ngài Thân Tử cùng với mười vị đại đệ tử của Phật, đức hạnh đồng nhau. Đặc biệt trình bày dấu vết ứng hiện quyền pháp ngài đứng đầu 1200 vị Tỳ kheo. Đây là biểu thị đặc biệt để làm phương tiện tiếp dẫn hàng độn căn, muốn làm cho họ biết ơn mà tin hiểu.
Hàng Thanh văn có quyền hiện và có thật quả, mà 1200 vị đều có thật quả độn căn. Nếu biết ngài Mãn Từ Tử … đều phương tiện ứng hiện, tức có thể bỏ Tiểu mà tin Đại. Cho nên Đức Như Lai ở nơi sự kiện này làm rõ cái bí mật vậy.
Từ câu: “ Nay Phú Lâu Na đây” trở xuống 30 câu, nói chung công hạnh quyền hiện để hộ trì và tuyên dương Phật pháp. Câu: “Sau đó đặng thành Phật” trở xuống 22 câu, là nói riêng việc thọ ký của ngài Mãn Từ Tử. Từ câu: “Phú Lâu Na Tỳ kheo” trở xuống 6 câu, là lời kết kệ tụng có thể biết, nói chỉ là lược thuyết còn công đức thì không thể nghĩ bàn.
8. Từ câu: “Nhĩ thời thiên nhị bách A La Hán” đến câu: “Tam miệu tam Bồ Đề ký” Bấy giờ 1200 vị A La Hán… thọ ký đạo vô thượng chánh đẳng chánh giác).
Đoạn này 1200 vị A La Hán xin Phật thọ ký.
Do Đức Như Lai khen ngợi túc duyên sâu dày của ngài Mãn Từ Tử, không phải là chỗ mà 1200 vị dám mong ước, nay nghe Phật khai thị, vốn vì tiếp dẫn hàng độn căn, cũng để các người độn căn có lòng tin mình có phần thành Phật. Cho nên họ vui mừng mà xin. Đức Phật biết tâm của đại chúng nên nói với ngài Ca Diếp. Như vậy ta đã thoả mãn bản hoài, trong lòng tự vui sướng nên đặc biệt bảo các ngài thượng thủ như là những người cộng sự của mình để chia sẻ ý vui mừng.
9. Từ câu: “Ư thử chúng trung” đến câu: “Tận đồng nhất hiệu danh viết Phổ Minh” (Trong chúng đó… đều đồng một hiệu là Phổ Minh).
Đoạn này là thọ ký cho năm trăm vị đệ tử.
Đức Phật ban đầu ở vườn Lộc uyển, ba lần chuyển bánh xe pháp Tứ đế, độ năm người thân mà Kiều Trần Như giác ngộ trước. Vì được độ thuở ban đầu, nên ở hàng thượng thủ của Tăng, tức là bậc lãnh tụ của hàng thật quả A La Hán. Cho nên năm trăm vị là đặc biệt nêu ra làm tiêu biểu. Được thọ ký riêng để có sự khác biệt với người khác. Khi thọ ký Phật không nói đến công hạnh trong quá khứ là ý liệt sáu người có thể noi gương.
Phật quả hiệu là Phổ Minh là vì mở được tri kiến Phật, nhập vào trí tuệ Phật nên không còn si ám. Kệ nói:
“ Thường phóng ánh sáng lớn
Thường nói đạo vô thượng”
Cho nên được tên hiệu này 500 vị A La Hán đều cùng một danh hiệu tức là đức hạnh giống nhau. Không nói thời gian, quốc độ… Trong bài tụng có đủ. Kinh có trường hàng và kệ tụng, rộng hay lược hỗ trợ cho nhau có thể thấy rõ.
10. Từ câu: “Nhĩ thời Thế Tôn” đến câu: “Nhữ đương vi tuyên thuyết” (Bấy giờ Đức Thế Tôn … Ông nên vì tuyên nói).
Đoạn kệ tụng này nói lại sự thọ ký của ngài Kiều Trần Như, làm tiêu biểu trong chúng.
Từ câu: “Kiều Trần Như Tỳ kheo” trở xuống 10 câu, nói về danh hiệu Chánh báo. Từ câu: “ Cõi nước đó thanh tịnh” trở xuống 10 câu, nói về y báo quyến thuộc. Câu “Phật thọ sáu muôn kiếp” trở xuống ba câu, nói thọ mạng Phật pháp tại thế gian. Từ câu: “Pháp diệt trời người lo” trở xuống tám câu, là liệt kê 500 vị tuần tự thành Phật giáo hóa cuộc đời, cũng như Phật ngày nay theo căn cơ giáo hóa đều sử dụng “Quyền” trước “Thật” sau. Từ câu: “ Cõi nước đó nghiêm sạch” trở xuống sáu câu, nói về y báo quyến thuộc, thọ mạng của Phật pháp đều giống như Kiều Trần Như. Câu “Ca Diếp! ông nên biết” trở xuống 6 câu, là nêu năm trăm vị, còn bảy trăm vị khác đều được quả thọ ký tương đồng. Trong văn kinh nói 1200 vị thọ ký mà không trình bày nhân và hạnh vì họ là hàng độn căn A La Hán. Hơn nữa làm cho họ sinh lòng tin, đến như công hạnh thờ Phật, phải chờ họ tự phát tâm. Không dám vội nói những sự khó làm, họ thêm sợ. Đây là Như Lai lấy ý hộ niệm vậy.
11. Từ câu: “Nhĩ thời ngũ bách A La Hán” đến câu: “Tiểu trí vi túc” (Bấy giờ 500 vị A La Hán … lấy trí nhỏ cho là đủ).
Đoạn này 500 vị A La Hán tự trình bày sự giác ngộ của mình.
Câu: “Chúng con đáng được…” nghĩa là một hướng nghĩ là mình mất đi trí tuệ Như Lai. Ngày nay mới biết rằng chưa từng mất, chỉ do chúng con tự lấy tiểu trí cho là đầy đủ. Đây là trình bày sự lãnh ngộ vậy.

12. Từ câu: “Thế Tôn,Thí như hữu nhân chí” đến câu: “Đắc vị tằng hữu” (Thế Tôn! Thí như có người đến… được điều chưa từng có).

Đoạn này nói về nhân duyên, thiết lập thí dụ để tự hiểu.
Mười sáu vị vương tử của Đức Đại Thông Trí Thắng và vô số nhân dân giống như thân hữu. Vương tử thuyết kinh Pháp Hoa, trước đã vì chúng ta mà nói nhân duyên chủng tử nhất thừa như cột hạt minh châu. Bây giờ chưa ngộ như người say đang nằm, từ đó mê trôi trong sinh tử, như người dạo chơi nước khác, trở lui trụ ở Thanh văn, nên như có chút ít mà cho là đầy đủ. Về sau gặp gỡ người thân hữu giống như nay gặp Đức Thế Tôn. “ Lạ thay”! Dụ xưa để trách nay vậy. Chỉ rõ hạt minh châu trong áo, dụ cho nay mở được tri kiến Phật ngộ được bản hữu thật tánh. Thí dụ này ý nói ngày xưa bị mất ngày nay lại được.
Từ câu: “ Đức Phật cũng lại như vậy” trở xuống, nói về pháp nay phù hợp với nhân xưa. Từ câu: “ Ngày nay Đức Thế Tôn” trở xuống, là nói pháp phù hợp với duyên ngày nay. “ Con nay mới biết” là nói pháp phù hợp với sở đắc ngày nay, cho nên vui mừng được điều chưa từng có vậy.

13. Từ câu: “Nhĩ thời A Nhã Kiều Trần Như” đến câu: “Thân tâm biến hoan hỷ” (Bấy giờ ông A Nhã Kiều Trần Như… Thân tâm khắp vui mừng).

Đoạn này Kiều Trần Như nói lại sở đắc hôm nay, ăn năn tự trách cái mất mát ngày xưa.
Câu: “ Chúng con nghe vô thượng” trở xuống ba câu, là mừng sở đắc ngày nay. Câu: “ Lạy Phật trí vô lượng” trở xuống bảy câu, là ăn năn sự mất ngày xưa. Câu: “ Thí như người bần cùng” trở xuống 16 câu, dụ cho duyên ngày xưa. Câu: “Người thân hữu cho châu” trở xuống 8 câu, dụ cho duyên ngày nay. Câu: “Chúng con cũng như vậy” trở xuống 8 câu, nói phù hợp với nhân xưa. Câu: “Nay Phật giác ngộ con” trở xuống 4 câu, nói hợp với duyên nay. Câu: “Con nay từ Phật nghe” trở xuống 4 câu, là tổng quát về được thọ ký nên tự mình vui lòng./.