nam sơn tam quán

Phật Quang Đại Từ Điển

(南山三觀) Cũng gọi Nam sơn tam giáo. Pháp quán do Luật sư Đạo tuyên ở Nam sơn lập ra. Ngài Đạo tuyên căn cứ vào Thánh giáo của đức Như lai mà lập ra Hóa giáo và Chế giáo khác nhau. Trong Hóa giáo lại chia làm tam quán: Tính không, Tướng không và Duy thức. 1. Tính không quán: Pháp quán của Tiểu thừa được nói trong các kinh, luật, luận như: Kinh A hàm, luật Tăng kì, luật Tứ phần, luận Câu xá, luận Thành thực v.v… Quán xét các pháp đều do nhân duyên sinh, tính không vô ngã, cho rằng tướng nhân duyên sinh thì có thật, mà quán tính của nó thì rỗng không. 2. Tướng không quán: Pháp quán của Đại thừa được nói trong kinh Bát nhã và trong các bộ luận thuộc hệ thống Bát nhã, tức quán xét tướng của các pháp là không. 3. Duy thức quán: Pháp quán cùng tột của Đại thừa được nói trong các kinh luận như: Hoa nghiêm, Pháp hoa, Lăng già, Niết bàn, Nhiếp luận v.v…, quán xét hết thảy muôn pháp đều do thức của mình biến ra, cho nên muôn pháp chỉ là hình ảnh của tâm thức mà thôi. Hai pháp quán trước cho rằng tính, tướng của muôn pháp đều là không, nhưng pháp quán thứ 3 này thì cho rằng, tính, tướng của các pháp ngoài tâm đều là không, còn tính, tướng của muôn pháp trong tâm thì đều chẳng phải không. Tứ phần luật san phồn bổ khuyết hành sự sao quyển trung, phần 4 (Đại 40, 96 trung) nói: Nhưng về lí thì chủ yếu không ngoài 3 loại: 1. Các pháp tính không, vô ngã, lí này chiếu soi tâm, thuộc Tiểu thừa. 2. Tướng của pháp vốn là không, chỉ do tình chấp vọng kiến, lí này là chiếu dụng thuộc Tiểu Bồ tát. 3. Các pháp bên ngoài vốn là không, duy thức là có thật; lí này sâu xa mầu nhiệm, chỉ có ý thức duyên biết được, đây là hạnh chứng Phật quả của hàng Đại bồ tát. (xt. Tam Quán).