nam nhạc hạ

Phật Quang Đại Từ Điển

(南岳下) Pháp hệ của Thiền sư Nam nhạc Hoài nhượng đối lại với Thanh nguyên hạ là pháp hệ của ngài Thanh nguyên Hành tư. Sau khi được Lục tổ Tuệ năng ấn khả, Thiền sư Hoài nhượng đến ở chùa Bát nhã tại Hành sơn, tỉnh Hồ nam, tiếp hóa người học hơn 30 năm, xiển dương Thiền phong Nam nhạc. Ngài có 9 vị đệ tử nối pháp, trong đó, ngài Mã tổ Đạo nhất là bậc Thượng thủ. Sau khi đắc pháp, ngài Mã tổ hoằng hóa ở núi Cung công tỉnh Giang tây, nhờ có cơ phong sắc bén, mạnh mẽ và phong cách đánh hét, dựng phất tử mà ngài nổi tiếng trong thiên hạ với danh hiệu Giang Tây Mã Tổ. Trong hơn 100 đệ tử của ngài thì các vị: Bách trượng Hoài hải, Nam tuyền Phổ nguyện, Tây đường Trí tạng, Đại mai Pháp thường, Chương kính Hoài huy, Đại châu Tuệ hải, Bàng uẩn cư sĩ và Phật quang Như mãn được suy tôn là các bậc tôn túc trong Thiền lâm. Trong đó, 3 vị: Bách trượng Hoài hải, Nam tuyền Phổ nguyện và Tây đường Trí tạng được gọi chung là Tam Đại sĩ dưới tòa ngài Mã tổ. Ngài Bách trượng Hoài hải ở tại núi Bách trượng thuộc Hồng châu (tỉnh Giang tây), dẫn dắt chúng tăng, xây dựng Thiền viện, lập ra thanh qui tùng lâm. Trước đó, Thiền tăng phần nhiều trụ ở các Luật viện, chứ chưa có tự viện riêng biệt của Thiền gia. Từ ngài Bách trượng mới bắt đầu sáng lập Thiền viện, đồng thời thành lập thanh qui riêng, nhờ đó tăng chúng có được những phép tắc rõ ràng đúng đắn để nương tựa. Đến đây, sự phát triển của Thiền tông Trung quốc mới có cả danh lẫn thực. Đệ tử của ngài Bách trượng có các vị: Hoàng bá Hi vận, Qui sơn Linh hựu v.v… Sau khi được ấn khả, ngài Hi vận trụ ở núi Hoàng bá xiển dương Thiền pháp, đệ tử của ngài có Thiền sư Lâm tế Nghĩa huyền là bậc long tượng trong Thiền môn. Năm Đại trung thứ 8 (854) đời Đường, ngài Nghĩa huyền sáng lập viện Lâm tế bên bờ sông Hô đà tại Trấn châu (tỉnh Hà bắc) để tiếp dẫn người học, nhờ có cơ phong bén nhạy, cao vút mà ngài nổi tiếng và môn đình rất thịnh. Hệ thống ngài Nam nhạc vốn chỉ lưu hành ở vùng Hoa trung(Hồ nam, Giang tây), nhưng đến đời ngài Nghĩa huyền thì phát triển lên miền Bắc và hình thành tông Lâm tế phồn vinh nhất trong các hệ phái của Thiền tông Trung quốc. Ngài Qui sơn Linh hựu trụ ở núi Qui sơn tại Đàm châu (Hồ nam), sau 7 năm sáng lập chùa Đồng khánh, Thiền sinh từ khắp nơi đến tham học, có tời hơn 1.500 người. Sau, đệ tử của ngài là Thiền sư Tuệ tịch mở rộng Thiền pháp ở núi Ngưỡng sơn tại Viên châu (Giang tây) được những người học Thiền đương thời kính trọng và tin cậy. Pháp hệ của 2 ngài Qui sơn Linh hựu và Ngưỡng sơn Tuệ tịch gọi chung là Qui Ngưỡng tông. Đến cuối đời Đường đầu đời Ngũ đại thì Thiền tông Trung quốc đã hình thành 5 hệ phái chính thống, đó là: Lâm tế, Qui ngưỡng, Tào động, Vân môn và Pháp nhãn, trong đó, 2 tông Lâm tế và Qui ngưỡng thuộc Nam nhạc hạ, còn 3 tông Tào động, Vân môn và Pháp nhãn thì thuộc Thanh nguyên hạ. Đến đời Tống, 2 tông Lâm tế và Vân môn tương đối hưng thịnh hơn, nhất là tông Lâm tế. Rồi từ tông Lâm tế lại chia ra 2 phái là Hoàng long và Dương kì. Như vậy, qua đến đời Tống, Thiền tông do Tổ Bồ đề đạt ma truyền đến Trung quốc đã phát triển thành Ngũ gia thất tông (năm nhà bảy tông), mà trong đó, pháp hệ được lưu truyền cho đến ngày nay thì phần nhiều là tông Lâm tế thuộc Nam nhạc hạ. Bởi thế, trong Thiền tông đã có câu Lâm tế nhi tôn mãn thiên hạ (con cháu dòng Lâm tế đầy khắp trong thiên hạ). (xt. Thanh Nguyên Hạ).