nam hoa cổ tự

Phật Quang Đại Từ Điển

(南華古寺) Chùa ở núi Nam hoa (cũng gọi núi Lục tổ, núi Bảo lâm, núi Nghi phụng), cách huyện Khúc giang, tỉnh Quảng đông về phía nam khoảng 35 cây số, do Tam tạng Trí dược, 1 vị tăng Thiên trúc, sáng lập vào niên hiệu Thiên giám năm đầu (502) đời vua Vũ đế nhà Lương, đặt tên là Bảo lâm tự. Vào đầu năm Khai nguyên (713-741) đời Đường, chùa được xây dựng rộng thêm, vua ban tên là Trung hưng tự, Pháp tuyền tự. Đến đời Tống, vua Thái tổ mới ban sắc đặt tên là Nam hoa tự. Vì Lục tổ Tuệ năng của Thiền tông trụ trì chùa này phát triển Thiền Nam tông, nên chùa được tín đồ gọi là Tổ đình. Hiện nay trong chùa vẫn còn giữ gìn được nhục thân của đức Lục tổ và các di vật như ca sa Thiên Phật đời Đường, bình bát, guốc, đá đeo ở lưng (khi giã gạo), tích trượng sắt… tất cả đã trở thành những báu vật của Thiền tông. Trong chùa cũng có vô số tấm đá khắc. Trong lầu chuông có quả chuông được đúc vào đời Tống, bằng đồng đỏ nặng 6.000 cân, sớm chiều chuông được dóng lên, tiếng vang xa đến mười mấy dặm, nên tiếng chuông chiều chùa Nam hoa đã trở nên nổi tiếng. Ở phía bắc chùa có tảng đá để lễ lạy gọi là Bái thạch, trên đá này còn in rõ vết đầu gối. Tương truyền đây là tấm đá mà Lục tổ thường quì lễ Phật. Đại hùng bảo điện rất rực rỡ chói lọi, kim thân Tam bảo Phật trong điện cao tới 6,4 mét. Ngoài 500 pho tượng La hán bằng đất đắp trong 8 năm mới hoàn thành, bảo vật của chùa này còn có bộ kinh Hoa nghiêm viết bằng kim nhũ do vua Anh tông nhà Minh ban tặng.