nam đốn bắc tiệm

Phật Quang Đại Từ Điển

(南頓北漸) Cũng gọi Nam Năng Bắc Tú. Chỉ cho phái Thiền chủ trương Đốn ngộ do Lục tổ Tuệ năng hoằng truyền ở phương Nam và phái Thiền chủ trương Tiệm ngộ do Đại sư Thần tú xiển dương ở phương Bắc.Thiền tông Trung quốc, từ Ngũ tổ Hoằng nhẫn trở về sau, do quan điểm bất đồng về con đường tu chứng giữa 2 vị đệ tử thượng thủ của Ngũ tổ là Thần tú và Tuệ năng mà đã phát triển thành 2 hệ thống khác nhau. Ngài Thần tú chủ trương hướng dẫn đệ tử theo 1 tiến trình có thứ lớp dần dần để đạt đến khai ngộ, gọi là Tiệm; ngài lấy Trường an ở phương bắc làm trung tâm giáo hóa, gọi là Bắc tông thiền, hoặc Bắc tiệm. Còn ngài Tuệ năng, trái lại, thì chủ trương đốt giai đoạn mà tiến ngay đến giác ngộ, gọi là Đốn; ngài lấy Tào khê ở phương nam làm trung tâm phát triển, gọi là Nam tông thiền, hoặc Nam đốn. Quan điểm bất đồng của 2 ngài về đường hướng tu chứng ấy được thể hiện rõ ràng trong 2 bài kệ sau đây: 1. Bài kệ của ngài Thần tú (Đại 48, 348 trung): Thân là cây Bồ đề Tâm như đài gương sáng Hàng ngày siêng lau chùi Chớ để dính bụi nhơ. 2. Bài kệ của Lục tổ Tuệ năng (Đại 48, 349): Bồ đề vốn không cây Gương sáng chẳng có đài Xưa nay không một vật Chỗ nào dính trần ai (bụi nhơ)? Hai bài kệ trên chính là nguồn gốc của Thiền phong Đốn và Tiệm. [X. Cảnh đức truyền đăng lục Q.4].