Năm Cửa Phương Tiện Niệm Phật

Thiên Thai Trí Giả Đại sư soạn  
Việt dịch: Thích Nguyên Hùng

Thiền có năm phép. Một là ngưng tâm thiền. Hai là chế tâm thiền. Ba là thể chơn thiền. Bốn là phương tiện tùy duyên thiền. Năm là tức nhị biên phân biệt thiền.

1. Phàm khi trụ tâm lại một chỗ, không để cho nó chạy tán loạn lung tung, gọi là ngưng tâm. Chẳng hạn như khi hành giả niệm Phật, để hết tâm trí chiêm ngưỡng thân tướng trang nghiêm của đức Phật Như Lai, khiến cho tâm tự nhiên lắng đọng mọi suy nghĩ, vắng lặng tịch tĩnh, gọi là ngưng tâm thiền.

2. Vì tâm vốn đã quen rong ruỗi, tán loạn chạy theo trần cảnh, cho nên phải kềm chế nó lại, bằng cách quán chiếu Kim tướng của Phật (hay bằng một cách khác, như niệm Phật, theo dõi hơi thở), tức là duyên vào một đối tượng để cột cái tâm lại, gọi là chế tâm thiền.

3. Ngưng tâm thiền và chế tâm thiền được xem là thiền chỉ(1), và nó giúp hành giả đạt được định. Nhưng cả hai phương pháp này chưa phải là lý quán, mà chỉ là sự quán(2). Trong khi đó, thực thể của các pháp vốn không, vậy thì ai chế tâm? Ai niệm Phật? Không có Phật, cũng chẳng có ai niệm Phật. Đạt đến cảnh giới này gọi là thể chơn thiền.

4. Tuy gọi là thể chơn thiền, nhưng giống như bị đắm vào không tịch, sự vật muôn hình vạn trạng mà mê mờ không biết. Do đó, phải lấy vô sở đắc(3) làm phương tiện, từ không để vào có, vạn tượng mới rõ bày, chứ không bị cái không làm cho mê loạn, gọi là phương tiện thiền.

5. Như vậy, thể chơn thiền còn kẹt vào không, mà phương tiện thiền còn kẹt vào có, rốt cuộc cả hai vẫn chưa rời khỏi nhị biên. Nay phải khởi quán chơn thật nhìn thẳng vào chỗ tịnh và động vốn không có tướng mạo. Đến đây, con đường ngôn ngữ đều trở nên vô nghĩa, tư tưởng cũng dứt tuyệt, gọi là tức nhị biên thiền.

Từ cạn đến sâu, tạm phân biệt quá trình tu tập ra năm giai đoạn như thế, nhưng xét đến lẽ tận cùng thì cũng chẳng có cạn sâu, mà cạn sâu y nhiên. Trên cơ sở đó, nay mở bày năm cửa vào pháp môn niệm Phật. Cửa thứ nhất là xưng danh vãng sanh niệm Phật tam-muội. Cửa thứ hai, quán tướng diệt tội niệm Phật tam-muội. Cửa thứ ba, Chư cảnh duy tâm niệm Phật tam-muội. Cửa thứ tư, tâm cảnh câu ly niệm Phật tam-muội. Cửa thứ năm, tánh khởi viên thông niệm Phật tam-muội.

Chư Phật với tấm lòng đại từ đại bi, thường thuyết pháp, giáo hóa, sách tấn hàng Bồ tát, v.v… dùng vô số phương tiện, khiến cho chúng sanh dễ hiểu. Lại dùng vô số phương tiện để khai thị Bát-nhã ba-la-mật(4). Vì ý nghĩa gì mà nói Bát-nhã ba-la-mật? Đức Phật đáp: “Vì muốn chư vị Bồ tát và tất cả chúng sanh tăng trưởng niệm Phật tam-muội(5)”. Vì nhân duyên gì mà phải niệm danh hiệu chư Phật? Đức Phật dạy: “Nếu có người niệm Phật, phải biết rằng, người đó với Bồ tát Văn-thù-sư-lợi là một, không có gì khác nhau. Vì sao vậy? Vì niệm Phật tam-muội là chỗ mà chư Phật Thế Tôn thường ưa an trú. Những đại định, như định Thủ Lăng Nghiêm(6)… đều từ niệm Phật tam-muội mà phát sanh ra”. Do đây có thể biết, muốn vào pháp của chư Phật, phương tiện thật có rất nhiều, nhưng nếu có thể dùng một câu mà gồm thâu tất cả các pháp môn, thì câu đó chính là hai chữ: niệm Phật. Bởi vì sao vậy? Bởi tất cả Hiền, Thánh đều từ niệm Phật mà sanh ra. Hết thảy trí tuệ đều từ niệm Phật mà có. Như hàng Bồ tát Thập tín(7) và Tam hiền(8) đều không rời câu niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, thậm chí không thể rời niệm Nhất thiết chủng trí(9). Từ Sơ địa Bồ tát cho đến Bát, Cửu, Thập địa Bồ tát(10) cũng không rời câu niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, và cũng chẳng rời niệm Nhất thiết chủng trí. Tuy nhiên, vì biết rằng có niệm là có sai biệt, do đó tùy nghĩa mà nêu tên. Chúng sanh mê muội chấp nê nơi tên gọi mà nảy sinh những lý giải vọng tưởng điên cuồng, đến nỗi phải chuốc họa trôi dạt vào trong ma giới, nên mới mở miệng yêu ma khinh người trì danh niệm Phật, tự mình lập pháp môn riêng và cho là hợp thời đại. Thật đáng thương thay!

Nay xin lược nói vài lời.

Nếu luận về người tu nhân, không thể ra ngoài Tam hiền, Thập thánh. Luận về người chứng quả, tức là chư Phật Như Lai. Người tu nhân, tâm thường niệm tất cả chư Phật trong mười phương. Người chứng quả lại thường gia hộ cho người tu nhân. Đây chính là điều vi diệu thanh tịnh, là đệ nhất thiền. Phải biết, pháp môn dễ vào mà chứng sâu, không gì hơn niệm Phật. Than ôi! Kẻ hậu học đời sau vì coi thường cửa dễ vào nên bị mất đi cơ hội được chứng sâu. Người bị cái nhận thức sai lầm như vậy trói buộc, hỏi có đáng thương không?!

Lại nữa, chư Phật vì thương chúng sanh, muốn cho chúng sanh được sống an lạc, nên chỉ bày phương pháp niệm danh hiệu của chư Phật để được vãng sanh về cõi Cực lạc. Đây là cánh cửa xưng danh vãng sanh (niệm Phật được vãng sanh); muốn cho chúng sanh thấy được thân Phật trang nghiêm, nhưng vì chúng sanh nghiệp chướng sâu dày nên không thể thấy, vì vậy mới mở cánh cửa quán tướng diệt tội (quán tưởng thân tướng trang nghiêm của Phật diệt trừ được tội chướng); vì chúng sanh có tâm mê chấp nơi cảnh, nên mở cánh cửa chư cảnh duy tâm (tất cả mọi sự vật hiện tượng đều do tâm tạo); vì chúng sanh có niệm chấp tâm thật có, nên lại mở cánh cửa tâm cảnh câu ly (tâm cảnh đều lìa); vì muốn chúng sanh an lạc trong định thâm sâu, hướng đến cảnh giới vô sanh diệt, nên mới mở bày cánh cửa tánh khởi viên thông (tánh của các pháp là duyên khởi, nên dung thông vô ngại).

Tốt đẹp biết bao! Thế Tôn đã khéo léo cứu vớt chúng ta, khai mở một con đường thẳng đến đạo Bồ-đề, một pháp môn thâm sâu, đó là niệm Phật. Duy chỉ những người nào đạt được trí tuệ đến bờ bên kia mới biết được này!

Những người tu hành có định lực và trí tuệ, khéo biết rõ Kinh Luận, xin hãy nắm lấy pháp môn này cùng với các kinh điển Đại thừa liễu nghĩa khác thì như gồm thâu được áo nghĩa vô cùng tận. Hãy thử kiểm nghiệm qua lời này thì mới biết xưng niệm một danh hiệu Phật trí sâu lại càng sâu. Một lời mà gồm đủ tất cả pháp môn. Tin được lời này mới thật là mầu nhiệm!

Đã trình bày hết ý nghĩa nguyên lai của năm cửa, bây giờ xin trình bày thứ lớp dẫn vào cửa phương tiện niệm Phật.

1. Nếu như hành giả miệng xưng niệm Nam-mô A-di-đà Phật, tâm nguyện vãng sanh về quốc độ của Ngài, thì đây gọi là cửa: Xưng danh vãng sanh.

2. Nếu hành giả quán tưởng thân tướng của Phật, tâm chuyên chú không gián đoạn, liền được nhìn thấy Phật, hào quang chói lòa bao trùm toàn thân hành giả, bấy giờ, bao nhiêu tội chướng (đã gây tạo từ vô lượng kiếp) thảy đều tiêu diệt hết, thì đây gọi là cửa: Quán tướng diệt tội.

3. Hành giả lại tiếp tục quán tưởng thân tướng của Phật, từ trong tự tâm khởi lên trí tuệ không phân biệt cảnh giới, thì đây là cánh cửa: Chư cảnh duy tâm.

4. Hành giả lại tiếp tục quán tưởng tâm này, và chứng ngộ, ngay cả tâm này cũng không có tự tướng để nắm bắt được, thì đó là cánh cửa: Tâm cảnh đều lìa.

5. Bấy giờ hành giả đi vào thiền định thâm sâu, buông xả tất cả mọi trạng thái tâm, ý, ý thức, gần vào cảnh giới Niết-bàn, được chư Phật trong mười phương gia bị, hộ niệm. Đây là cánh cửa: Hưng khởi trí. Đến đây, chỉ trong khoảnh khắc một niệm, hành giả đã là một chúng sanh thành tựu thanh tịnh quốc độ chư Phật.

Khi hành giả đạt đến cánh cửa thì năm, thì cho dù bốn cánh cửa trước có trăm ngàn vạn phần công đức cũng không bằng. Vì sao vậy? Vì cánh cửa thứ năm được gọi là Vô công dụng vị(11), có thể dùng một thân biến thành vô lượng thân, vì đã nắm được nguyên tắc tu tập, được chư Phật quán sát hộ niệm, và đã đến chỗ tận cùng của suối nguồn Phật pháp. Hạnh nguyện Phổ Hiền do đây mà được tròn đầy, vì đây là gốc rễ của mọi nguyện lực và pháp vốn như vậy. Đây chính là cánh cửa: Tánh khởi viên thông.

Trên đây đã trình bày xong năm cửa phương tiện niệm Phật.

Hỏi: Thế nào là nhất hạnh tam-muội(12)?

Đáp: Kinh Đại Bảo Tích, hội thứ 116 ghi: “Bồ-tát Văn-thù Sư-lợi bạch Phật rằng: ‘Bạch Đức Thế Tôn! Phải tu tập như thế nào thì mau đạt được A-nậu bồ-đề’? Đức Phật trả lời: ‘Nên tu nhất hạnh tam-muội. Thiện nam tín nữ nào tu nhất hạnh tam-muội thì sẽ mau chóng đạt được A-nậu-đa-la tam-miệu-tam-bồ-đề’. Văn-thù Sư-lợi lại hỏi: ‘Nhất hạnh tam-muội là gì’? Đức Phật đáp: ‘Pháp giới chỉ có một tướng duy nhất, là tướng pháp giới duyên khởi, đó gọi là nhất hạnh tam-muội. Nếu người thiện nam, tín nữ muốn thể nhập vào nhất hạnh tam-muội thì trước hết phải học Bát-nhã ba-la-mật, rồi y theo lời dạy trong đó mà tu hành, sau đó mới có thể vào được nhất hạnh tam-muội. Giống như tính chất duyên khởi của pháp giới, vốn không lui sụt, không hư hoại, không thể nghĩ bàn, không chướng ngại, không hình tướng cố định, thiện nam tín nữa muốn thể nhập vào nhất hạnh tam-muội phải ở nơi nhàn tịnh, vắng lặng, buông bỏ tất cả mọi ý niệm, không bám víu vào tướng mạo, buộc tâm vào một Đức Phật, chuyên chú xưng niệm danh hiệu của Phật, tùy theo quốc độ của Đức Phật đó ở phương nào thì ngồi ngay ngắn hướng về phương đó, chỉ cần để tâm vào một Đức Phật duy nhất, niệm niệm liên tục, thực hành như thế thì chắc chắn trong một niệm sẽ thấy được ba đời chư Phật. Vì sao như thế? Bởi vì niệm danh hiệu của một Đức Phật có công đức vô lượng vô biên, cũng bằng công đức và biện tài của vô lượng chư Phật đã có. Như vậy, người nào vào được nhất hạnh tam-muội thì biết rằng hằng hà sa số pháp giới chư Phật đều không có tướng sai biệt”.

Hỏi: Có rất nhiều người họa tượng để quán tưởng và lễ lạy, không biết việc làm này y cứ vào kinh điển nào?

Đáp: Kinh Đại Bảo Tích, hội thứ 89 có ghi: “Bấy giờ, Bồ-tát Đại Tinh Tấn cầm bức họa chân dung Đức Phật đi vào ở trong núi sâu, đến chỗ tịch tĩnh, không có người và cầm thú đi lại, rồi treo bức họa lên, trải cỏ làm tòa, ngồi kiết-già trước bức họa, chánh thân, chánh niệm, chiêm ngưỡng dung nghi Đức Như Lai. Quán sát kỹ rồi, khởi lên ý niệm như vầy: ‘Như Lai thật là hiếm có, vi diệu. Hình tượng của Ngài mà còn như thế này, đoan chánh, vi diệu, huống nữa là thân Như Lai Chánh biến tri’! Rồi ngài lại nghĩ: ‘Làm thế nào để quán tưởng về Phật’? Khi ấy, Thần rừng biết được ý nghĩ của Bồ-tát Đại Tinh Tấn, liền thưa với Bồ-tát rằng: ‘Kính bạch Bồ-tát! Có phải ngài đang nghĩ làm thế nào để quán tưởng về Phật? Trả lời: ‘Nếu muốn quán Phật, nên quán sát hình tượng này. Quán hình tượng này cũng chẳng khác quán Như Lai, đó gọi là quán Phật. Quán Phật như thế, người quán như thế, gọi là khéo quán chiếu’. Bấy giờ, Bồ-tát Đại Tinh Tấn khởi lên ý nghĩ như vầy: ‘Nay ta làm thế nào để quán tưởng bức tượng này cũng giống như Đức Phật Như Lai chẳng khác’? Rồi ngài lại nghĩ: ‘Như bức tượng này, vốn phi giác phi tri, hết thảy các pháp cũng lại như vậy, chỉ có tên gọi. Tên gọi như thế tự tánh không tịch, vốn không sở hữu. Thân tướng của Như Lai cũng giống như vậy. Hình tượng thì vốn không có chứng ngộ, chẳng có quả vị, không chứng, không đắc, không trụ, không đến, không đi, không sanh, không diệt, không tịnh, không nhiễm, không tham sân si; hình tượng thì chẳng có ấm, giới, nhập, chẳng có khởi đầu, giữa, cuối; hết thảy các pháp cũng đều như vậy; thân tướng Như Lai cũng đều như vậy. Như hình tượng này, không hay, không biết, không tạo tác, hết thảy chư Phật cũng đều như vậy. Quán thân tướng Như Lai cũng lại như vậy, cho đến sáu căn cũng lại như vậy’. Bồ-tát quán thân Như Lai như vậy, ngồi kiết-già ngay thẳng, trải qua hai mươi mốt ngày, liền chứng quả Ngũ thông, đem kết quả tu học ấy cúng dường chư Phật. Chư thiên rải hoa cúng dường, thay Phật khen ngợi. Trong pháp hội ấy có hai vạn người đạt được A-nậu-đa-la tam-miệu-tam-bồ-đề, vô lượng a-tăng-kỳ người trụ vào công đức nhị thừa. Thuở ấy, Đại Tinh Tấn Bồ-tát chính là Đức Phật Thích-ca Mâu-ni. Đoạn kinh văn này đã nói rõ xuất xứ dùng hình tượng để quán chiếu và đảnh lễ vậy.

____________________
(1) Thiền chỉ, Phạn śamatha. Chỉ là dừng lại. Dừng lại sự tán loạn, sự quên lãng, vọng niệm, dừng lại sự đuổi bắt một đối tượng nào đó. Thiền chỉ là trạng thái tâm chuyên chú vào một cảnh, một đối tượng, khiến cho mọi vọng tưởng đều chấm dứt, là cách tập trung tâm ý vào một vật và không để bị chi phối bởi bất cứ một yếu tố nào khác, cả chủ quan lẫn khách quan.
(2) Lý quán: quán chiếu lý tánh của các pháp, tức nhìn vào bên trong để thấy được thực tướng của các pháp. Sự quán: quán chiếu bề ngoài, chỉ thấy các pháp trên mặt hiện tượng, chưa thấy được bản chất.
(3) Vô sở đắc, Phạn aprāptitva: các pháp đều do nhân duyên mà sanh ra, vốn không có tự tính, vì không tự tính nên không có tướng quyết định có được, gọi là vô sở đắc.
(4) Bát-nhã ba-la-mật, Phạn prajñā-paramitā, trí tuệ đến bờ kia, tức là đại trí tuệ của Bồ-tát, soi rõ thực tướng các pháp, cùng suốt biên tế của hết thảy trí tuệ, vượt bờ sống chết bên này mà qua đến bờ Niết-bàn bên kia.
(5) Tam-muội, Phạn samādhi, trạng thái thiền định.
(6) Thủ Lăng Nghiêm tam-muội, Phạn Śūraṃgamasamādhi: tam-muội thu giữ các pháp một cách chắc chắn, 1 trong 108 tam-muội, là loại thiền định do chư Phật và hàng Bồ-tát Thập địa chứng được.
(7) Thập tín: chỉ cho 10 tâm mà Bồ-tát của 10 giai vị đầu tiên trong 52 giai vị tu hành. Mười tâm này thuộc Tín vị, có khả năng giúp cho hành giả thành tựu hạnh tín, gồm tín tâm, niệm tâm, tinh tiến tâm, định tâm, tuệ tâm, giới tâm, hồi hướng tâm, hộ pháp tâm, xả tâm, nguyện tâm.
(8) Tam hiền: ba giai vị tu hành các thiện căn để ức chế phiền não, khiến cho tâm được điều hòa, gồm có Tiểu thừa tam hiền và Đại thừa tam hiền.
(9) Nhất thiết chủng trí,
(10) Thập địa
(11) Vô công dụng vị, hay Vô công dụng, Phạn an-ābhoga, dịch ý là không cần dụng công nữa, tức là không cần phải tạo tác thêm nữa, vì đã có tác dụng tự nhiên. Cũng có nghĩa là không cần mượn thân, khẩu, ý mà vẫn có thể nắm vững nguyên tắc của đạo một cách tự tại. Từ Bồ-tát Bát địa trở xuống, mặc dù ở trong cảnh giới Chân như, nhưng chưa được tự tại. Từ Bồ-tát Bát địa trở lên, vì đã thuần khiết vô lậu, nên rất tự tại, gọi là Vô công dụng đạo. Lại nữa, từ Bát địa trở lên đã nắm vững Vô công dụng trí, tự tại lợi sanh, gọi là Vô công dụng địa. Tuy nhiên, nếu căn cứ quả vị Phật mà nói, thì từ Bát địa trở lên vẫn còn thuộc Hữu công dụng, chỉ có quả vị Phật mới là Vô công dụng.
(12) Nhất hạnh tam-muội, Phạn ekavyūha-samādhi, cũng gọi là nhất tam-muội, chân như tam-muội, là chánh định do tâm chuyên chý vào một hạnh mà tu tập, có hai loại, lý và sự. Lý nhất hạnh tam-muội là tam-muội định tâm quán xét pháp giới một tướng bình đẳng. Sự nhất hạnh tam-muội là niệm Phật tam-muội, do nhất tâm niệm Phật mà thành.