NAI TRỐN HỌC

Ngày xưa có một bầy nai
Cùng nhau vui sống giữa nơi non ngàn
Nai già khả kính, khôn ngoan
Lại thêm khéo léo, giỏi giang, làm thầy
Bao nhiêu nai nhỏ trong bầy
Được thầy dạy dỗ điều hay, điều lành
Tài tháo vát, sự khôn lanh
Để khi nguy biến thoát nhanh được liền.
Thầy nai có một cô em
Một hôm cô trịnh trọng đem con mình
Đến thăm anh, nói tâm tình:
“Con trai em đó, mong anh chỉ bày
Dạy cho cháu học điều hay
Những điều khôn khéo lâu nay thường dùng
Để mà thoát bẫy diệt vong
Thoát mưu thâm độc, thoát vòng hiểm nguy!”
Thầy nai nói: “Đâu khó gì
Ngày mai cháu đến ta thì dạy cho!”
Đầu tiên theo đúng dự trù
Chú nai đến học cứ như bình thường
Nhưng rồi lòng chú vấn vương
Ham chơi, ham nghịch, chẳng màng học chi

Đua đòi theo các nai kia
Không hề đến lớp, thiết gì thầy đâu,
Thời gian sau chẳng bao lâu
Chú nai trốn học, lao đầu rong chơi
Hiểu đâu nguy hiểm ở đời
Biết bao cạm bẫy con người giăng ra
Thế mà chú chẳng thiết tha
Chẳng ham học hỏi để mà thoát thân.
*
Một ngày vô phước bội phần
Chú nai mắc bẫy, sa chân mé rừng
Kẹt luôn chẳng thể vẫy vùng
Ở nhà mẹ chú vô cùng lo âu
Chờ hoài nào thấy con đâu
Mẹ bèn vội vã tới mau hỏi thầy:
“Con em từ bấy lâu nay
Cùng anh theo học giờ đây thế nào?
Khôn ngoan học được là bao
Để mà tránh khỏi sa vào nguy nan?”
Thầy nai chán nản than van:
“Con em dạy khó vô vàn em ơi
Không thích học! Chỉ ham chơi!
Luôn luôn trốn học mặc lời khuyên răn
Nể em anh cố can ngăn
Nhưng mà nó chẳng ăn năn sửa mình,
Em thời ngoan ngoãn, chân tình,
Nó thì ngược lại! Anh đành bó tay
Làm sao dạy nổi nó đây
Chắc rồi thảm họa đọa đày tới nơi!”
Thế là quả đúng như lời
Mẹ nai nghe được tin người con hoang
Ham chơi rong ruổi lang thang
Đã sa vào bẫy bủa giăng dọc đường
Thợ săn bắt giết thảm thương
Lột da, xẻ thịt, lóc xương, chặt đầu
Thật là tai nạn thảm sầu
Mẹ đau! Thầy cũng buồn rầu khôn nguôi.

Nhận Diện Tiền Thân
Nai anh tức nai Thầy là tiền thân Đức Phật.

Tâm Minh Ngô Tằng Giao

(Thi hóa, phỏng dịch theo bản văn xuôi
THE FAWN WHO PLAYED HOOKY
của Ven. Kurunegoda Piyatissa & Tod Anderson)