na tiên

Phật Quang Đại Từ Điển

(那先) Phạm, Pàli: Nagasena. Cũng gọi Na già tư na, Na già tê na. Hán dịch: Long quân. Cao tăng Ấn độ sống vào hậu bán thế kỉ II trước Tây lịch. Sư là con của 1 người Bà la môn ở thôn Cát thằng yết la (Phạm: Kajaígala) dưới chân núi Tuyết, Trung Ấn độ. Na, nói đủ là Na già (Phạm: Nàga), nghĩa là voi. Khi sư sinh ra thì voi mẹ trong nhà cùng đẻ voi con, cho nên đặt tên sư là Voi. Ban đầu, sư học kinh Phệ đà, vì cảm thấy không thỏa mãn với giáo học của Bà la môn giáo, sư bèn đến tôn giả Lâu hán (Pàli: Rohaịa) xin xuất gia, tu học tạng Luận và 7 bộ A tì đàm, chứng được quả A la hán. Sau, sư đến nước Xá kiệt (Phạm: Sàgala) Bắc Ấn độ, ở tại chùa Tiết để ca, nghị luận với vua Di lan đà (Pàli: Milinda), dùng sự quan hệ giữa các bộ phận của cái xe như trục xe, vành xe, nan hoa xe, thùng xe v.v… làm ví dụ để thuyết minh giáo nghĩa của Phật giáo về lí vô ngã, vô thường của kiếp người và về sự báo ứng của thiện và ác. Vua Di lan đà rất tin và kính phục, sau đó vua qui y Phật giáo. Sự kiện này được ghi trong kinh Di lan đà vương vấn, Hán dịch là kinh Na tiên tỉ khưu. Tư tưởng của ngài Na tiên không ra ngoài phạm trù của Phật giáo Tiểu thừa, là đầu mối của tư tưởng Thuyết nhất thiết hữu bộ, cho nên là tư liệu quan trọng về mặt lịch sử phát triển giáo lí của Phật giáo nguyên thủy. Theo kinh Na tiên tỉ khưu tiếng Pàli, thì ngài Na tiên ra đời khoảng 500 năm sau đức Phật nhập diệt, nhưng vua Di lan đà tức là vua Menandros của Hi lạp; như vậy thì niên đại ra đời của ngài Na tiên phải là giữa thế kỉ II trước Tây lịch. Lại nữa, trong 16 vị La hán có 1 vị tên là Na già tê na, chưa biết vị này có phải là ngài hay không. Ngoài ra, trong số các vị Luận sư của Đại thừa cũng có 1 vị tên là Long quân, gọi là Tam thân luận chủ. [X. kinh Tạp bảo tạng Q.9; luận Câu xá Q.30; Giải thâm mật kinh sớ Q.1; Đại thừa a tì đạt ma tạp tập luận thuật kí Q.1 (Khuy cơ); Hoa nghiêm kinh thám huyền kí Q.1]. (xt. Na Tiên Tỉ Khưu Kinh).