Na-Lan-đà

Từ Điển Đạo Uyển

那爛陀; S: nālandā;
Viện Phật học danh tiếng của Ấn Ðộ, được vua Thước-ca-la Dật-đa (s: śakrāditya) thành lập trong thế kỉ thứ hai, một nhà vua nước Ma-kiệt-đà. Dần dần Na-lan-đà trở thành nơi của các luận sư nổi tiếng của Trung quán tông và Duy thức tông giảng dạy. Các vị này đều lần lượt làm viện trưởng. Na-lan-đà lúc đông nhất có đến mười ngàn học viên. Các khách phương xa như Huyền Trang, Pháp Hiển, Nghĩa Tịnh đều ghé nơi đây tu học. Na-lan-đà là nơi giáo hoá của đạo Phật, hưng thịnh được 1000 năm. Tại Tây Tạng, một học viện cũng được đặt tên là Na-lan-đà và được xây dựng năm 1351.
Theo Huyền Trang và Nghĩa Tịnh thì trong thời cực thịnh có đến 10 000 tăng sĩ học tại Na-lan-đà. Các vị đó học giáo pháp Tiểu thừa, Ðại thừa, Nhân minh học, toán học, y khoa. Những vị giảng sư danh tiếng đã từng dạy đây là Long Thụ (s: nāgārjuna), Hộ Pháp (s: dharmapāla), Trần-na (s: dignāga), Giới Hiền (s: śīlabhadra), Huyền Trang, An Huệ (sthiramati) giảng dạy. Tương truyền Na-lan-đà bị tín đồ của Hồi giáo phá huỷ trong thế kỉ 12, 13.